Sau đường dẫn cầu Cần Thơ (năm 2007, chết 54 người), những năm sau đó, năm nào cũng xảy ra các vụ tai nạn sập giàn giáo tại các công trình xây dựng, lấy đi nhiều mạng người. Năm 2015, nhiều vụ sập giàn giáo diễn ra, như ở công trường Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh), còn mới đây nhất vào sáng 10-7 là tòa nhà Văn phòng Nam Sài Gòn (TP HCM). Nếu kể cả công trình nhà dân thì bình quân mỗi tháng cả nước có một sự cố sập giàn giáo nghiêm trọng.
Tai nạn sập giàn giáo cứ lặp đi lặp lại như một điệp khúc kéo dài hàng chục năm, ở tất cả loại công trình từ tư nhân đến nhà nước, từ nhà thầu yếu đến mạnh, cả trong nước lẫn của nước ngoài. Phải chăng chúng ta chưa nhìn ra hoặc chưa dám nói thật về nguyên nhân mang tính bản chất?
Giàn giáo đổ bê-tông là một hệ kết cấu tạm nhưng lại chịu tải lớn nên khi thi công phải tuyệt đối bảo đảm an toàn, chất lượng. Do công tác này chiếm đến 60% chi phí công tác thi công bê-tông cốt thép và quyết định tiến độ nhanh chậm nên không ít ban chỉ huy công trường phớt lờ tiêu chí chất lượng. Nguy hiểm hơn là nhiều kỹ sư thường không nắm được hoặc hiểu sai về sơ đồ và tổ hợp tải trọng tính toán hệ giàn giáo. Tại Việt Nam, giáo trình về tính toán giàn giáo thi công cho các ngành xây dựng đều viết sơ sài, thậm chí sai sót về sơ đồ và tải trọng tính toán... Chưa kể, hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng phục vụ công tác thiết kế hệ giàn giáo cốp pha hiện đã quá lạc hậu khiến việc thiết kế, thẩm định, tính toán giàn giáo của các kỹ sư xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân thứ hai cũng không kém phần quan trọng trong sự cố công trình xây dựng nói chung và sự cố giàn giáo cốp pha nói riêng, đó là sự “lờn thuốc”. Chúng ta đã có Luật Xây dựng và khá nhiều nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng nhưng mỗi khi xảy ra sự cố, việc kết luận rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc thường không rõ ràng, cứ lẫn lộn giữa sai sót kỹ thuật và an toàn lao động. Ngoài ra, việc xử lý trách nhiệm cũng không đến nơi đến chốn. Lỗ hổng về quản lý đã dẫn đến ý thức chấp hành quy định pháp luật về xây dựng không nghiêm, thậm chí không rút được kinh nghiệm cho các công trình khác.
Để chấm dứt điệp khúc sập giàn giáo, các cơ quan chức năng cần gấp rút sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng quá lạc hậu. Bên cạnh đó, các trường đại học phải biên soạn lại giáo trình đào tạo ngành xây dựng. Và hơn hết, cần áp dụng chế tài thật mạnh các nhà thầu và cá nhân gây ra tai nạn sập giàn giáo nghiêm trọng, thông báo rộng rãi cả nước, thậm chí cấm hành nghề trong một thời gian nhất định. Bởi một công trình xây dựng muốn bảo đảm chất lượng thì phải vững chãi từ gốc, nếu quy chuẩn hiện đại, kỹ sư xây dựng đủ trình độ nhưng ý thức chấp hành pháp luật kém thì các vụ sập giàn giáo sẽ vẫn diễn ra.
Bình luận (0)