Không phản cảm sao được khi những phương tiện ấy cứ nhởn nhơ ngoài phố bất chấp pháp luật về giao thông, gieo rắc bất an cho người dân. Hiệu quả phục vụ người dân còn quá nhiều việc phải bàn nhưng cán bộ cứ nhởn nhơ với xe công ngoài phố, ùn ùn trẩy hội thì thử hỏi không ngán ngẩm sao được.
Càng bất bình hơn là những chiếc xe đó do chính người dân đóng thuế để mua, hằng tháng lại phải trả tiền xăng, tiền thuê tài xế, bảo trì, bảo dưỡng... Không nói tiền mua xe, chỉ riêng tiền duy trì, sử dụng 40.000 xe công phục vụ cho cán bộ hiện tại đã ngốn ngân sách gần 13.000 tỉ đồng mỗi năm. Hiện cả nước thừa tới 7.000 xe công và phải mất hơn 2.200 tỉ đồng để bảo trì, vận hành số xe này. Chi phí công bỏ ra sắm xe nhưng chính người nộp thuế phải nhận những bất tiện, bức xúc từ đó thì ai có thể chấp nhận được.
Nguyên tắc xe công phải được sử dụng vào việc công. Thực tế, ngoài việc công, cán bộ được cấp, được sử dụng xe thoải mái dùng mà không hề áy náy. Nghiễm nhiên, luật bất thành văn, xe công khi được giao cho ai thì người đó toàn quyền sử dụng. Bởi vậy, chúng ta có thể thấy xe công ở mọi nơi: lễ hội, siêu thị, trường học, sân thể thao, quán nhậu... và cả những địa điểm “nhạy cảm” khác.
So sánh đơn giản, tại nhiều nước châu Âu, xe công được cấp rất ít và đối tượng được cấp bị quy định sử dụng rất chặt chẽ. Trước hết xe phải được dùng chung (trừ các nguyên thủ quốc gia) và chỉ dùng trong việc công. Chìa khóa được kiểm soát, mỗi khi sử dụng phải được sự đồng ý của người quản lý. Định mức về nhiên liệu, số kilômét phải đi, bảo trì được tuân thủ nghiêm ngặt.
Cách đây không lâu, khi trưng cầu dân ý về việc rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) không như ý muốn, Thủ tướng Anh David Cameron nhẹ nhàng từ chức. Ông dọn dẹp đồ dùng của mình từ văn phòng về nhà trên chiếc xe cá nhân loại bình dân. Chiếc xe này cũng thường được ông tự lái đi làm hằng ngày. Và hẳn nhiều người cũng biết chuyện về ông Jose Mujica - vị tổng thống thứ 40 của Uruguay - vẫn chỉ tự lái chiếc ô tô cũ có tuổi đời hơn 20 năm để đi làm trong suốt nhiệm kỳ của mình từ năm 2010 đến năm 2015.
Quy định về việc mua sắm, sử dụng xe công đã được Chính phủ ban hành rất cụ thể từ tháng 8-2015. Ai được sử dụng xe công, giá bao nhiêu, sử dụng vào việc gì... rất cụ thể. Thế nhưng, những gì đang diễn ra lại cho thấy tác động của quy định này đến các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ chưa hiệu quả. Và đáng buồn hơn là các cơ quan thực thi quyết định này cũng không mấy kiên quyết.
Tùy tiện sử dụng xe công còn cho thấy ý thức và tinh thần phục vụ của một số cán bộ quá kém. Như thế cũng được xem là kiểu bòn rút, xem thường mồ hôi, nước mắt người dân
Bình luận (0)