Thời gian qua, rất nhiều trường hợp xe công, xe mang biển xanh, biển đỏ vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Bệnh “hoành tráng”
Bình luận về việc này, đại biểu Quốc hội Bùi Thu An (Hà Nội) cho rằng trước hết phải nói hiện nay có tình trạng sử dụng xe công vừa lãng phí vừa không đúng tiêu chuẩn. Không ít đơn vị sử dụng xe có tiêu chuẩn cho cấp cao hơn hoặc không sử dụng đúng, không đủ tiêu chuẩn vẫn dùng xe công.
Lý giải tại sao xe biển xanh lại được nhiều người thích, bà An cho rằng vì nó có sự ưu tiên. Nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh đi xe biển xanh, vào các cơ quan có sự ưu tiên hơn dù không biết ai ngồi trên xe. Bà An cũng nói có những phó chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội đi xe biển trắng vào các cơ quan là bị hạch sách. Rõ ràng xe biển xanh, biển đỏ có ưu tiên rất rõ, kể cả trên đường đi lẫn chỗ đỗ. Đó là cái sai. Đi họp, xe biển trắng ở ngoài, xe biển xanh ở trong là bất hợp lý, dĩ nhiên trừ xe phục vụ cán bộ cao cấp.
“Ở đây là có bệnh hoành tráng, bệnh hình thức, cứ phải đi xe biển xanh mà không tính đến thực chất. Cần phải xem ngồi bên trong là ai chứ không phải vì cái biển xe hay cái xe đẹp” - bà An đánh giá.
Theo bà An, trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải xem tại sao có tình trạng sử dụng xe không đúng biển số được cấp. Thực tế báo chí phản ánh có trường hợp doanh nghiệp vẫn sử dụng xe biển xanh trong khi quy định điều này không được phép. Bao giờ cơ quan quản lý làm chặt thì mới giữ được công bằng trong xã hội, dù đi xe biển số nào mà đúng luật thì cũng được tôn trọng.
Được biết, vào tháng 6, trình bày trước Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính cho biết qua triển khai thực hiện quyết định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, dự kiến số xe phục vụ công tác chung sẽ dư ra khoảng 7.000 chiếc.
Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho rằng một số lái xe cơ quan công quyền chấp hành quy định chưa tốt. Việc cấp biển số xe công thì theo quy định, cái chính là tài xế phải nghĩ mình là người của cơ quan công quyền. Có những trường hợp lợi dụng tính chất công vụ để vi phạm. Nhất là trong tình trạng đường sá chật chội, nếu là xe ưu tiên có thể đi nhanh hơn. Đa phần các vụ vi phạm là do tài xế được giáo dục chưa tốt, lại thêm đội trưởng đội xe cơ quan không nhắc nhở thường xuyên nên dễ dẫn đến tình trạng đó.
Xử lý nghiêm như xe khác
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 19-9 về biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn tình trạng xe công vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT (C67, Bộ Công an) - khẳng định đó là xử lý nghiêm như tất cả các xe khác, vi phạm tới đâu xử lý tới đó.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho hay tất cả các vụ vi phạm giao thông nghiêm trọng thì đều được cơ quan này có công văn yêu cầu xử lý.
“Các vụ việc nhiều khi phụ thuộc vào ý thức cá nhân của tài xế chứ không có quy định nào cho những người đó vi phạm cả. Theo tôi, dù là xe biển xanh, biển đỏ hay biển trắng đều phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Bộ Công an yêu cầu rà soát
Về giải pháp để ngăn tình trạng xe công vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho rằng quan trọng nhất là giáo dục ý thức cho tài xế. Thủ trưởng các cơ quan nhà nước có xe công phải chấn chỉnh ngay ở đơn vị mình. Việc giáo dục đào tạo phải đặt lên hàng đầu. Khi ngồi trên xe cũng phải có ý thức nhắc nhở tài xế. Mặt khác, nếu CSGT xử lý nghiêm, thông báo về cơ quan, đơn vị để nhắc nhở, kỷ luật thì sẽ hạn chế. Hiện lãnh đạo Bộ Công an đang yêu cầu C67 rà soát thường xuyên việc sử dụng xe công, vi phạm ở đâu thì uốn nắn ở đó.
Bình luận (0)