Quốc lộ 48 - tuyến huyết mạch nối các huyện miền Tây Nghệ An như Quỳ Hợp, Quế Phong, Nghĩa Đàn với Quốc lộ 1 - luôn tấp nập các xe chở đá, quặng, vật liệu xây dựng. Các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này chủ yếu là xe tải loại 3-4 trục ngang, với nhiều nhãn hiệu khác nhau nhưng chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và thường chở quá tải nên được nhiều người gọi là xe “hổ vồ”.
Đường mới nâng cấp đã hư hỏng
Qua khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, để tăng tải trọng, hầu hết các xe “hổ vồ” đều được cơi nới thùng để có thể chờ từ 50-80 tấn (gấp 2-3 lần tải trọng thiết kế). Dù mới được đầu tư hàng trăm tỉ đồng nâng cấp nhưng Quốc lộ 48 đã hư hỏng. Tại các tuyến khác như Quốc lộ 1, đường tránh TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Quốc lộ 7, cũng đang bị cày nát bởi các xe quá khổ, quá tải.
Ông Cao Minh Phượng, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, thừa nhận: “Hầu hết các xe quá khổ, quá tải đều có xuất xứ Trung Quốc, chủ yếu chở quặng từ Quỳ Hợp theo Quốc lộ 48 hoặc chở vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án tại đây. Xe chở quá tải là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều tuyến đường bị hư hỏng”.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Nghệ An, khẳng định: “Sau khi đăng kiểm, nhiều chủ phương tiện đã tự cơi nới thùng, bệ xe để tăng tải trọng. Nhiều xe 3 trục nhập từ Trung Quốc theo thiết kế chỉ chở từ 20-25 tấn nhưng sau khi cơi nới có thể chở đến 60-70 tấn”.
Ở tỉnh Hà Tĩnh, xe “hổ vồ” tập trung nhiều tại Khu Kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh), dọc theo Quốc lộ 1. Do đó, tại đây, nhiều tuyến đường đang xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh mới được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nâng cấp cũng có dấu hiệu lún.
Ngày 14-6, trong khi kiểm tra dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã bắt quả tang một số xe “hổ vồ” chở vật liệu quá tải trọng cho phép. Ngay sau đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các đơn vị chức năng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm này.
Đối phó cơ quan kiểm định
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, xe “hổ vồ” đang hoạt động tại Nghệ An và Hà Tĩnh đều có chứng nhận kiểm định của cơ quan chức năng cấp. Để vượt qua kiểm định định kỳ, chủ phương tiện tháo thùng, bệ xe đã cơi nới rồi lắp thùng, bệ theo thiết kế ban đầu.
Ông Nguyễn Quý Khánh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An, cho biết: “Lúc đến kiểm định, các xe đều đúng quy chuẩn. Sau khi được kiểm định, chủ phương tiện tự ý cơi nới thùng để tăng tải trọng nên cơ quan chức năng không thể từ chối cấp chứng nhận kiểm định”.
Ngoài ra, việc xử lý những xe này cũng gặp không ít khó khăn. Theo Nghị định 171 của Chính phủ, phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với lỗi tự ý thay đổi kích thước thùng xe sau khi lập biên bản xử phạt, buộc tài xế, chủ xe khôi phục lại nguyên trạng. Tuy nhiên, lỗi này không được phép giữ xe nên cơ quan chức năng không giám sát được chủ phương tiện có khắc phục lại nguyên trạng sau khi bị xử phạt hay không.
Bình luận (0)