xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xe quá tải lại tung hoành

VĂN DUẨN - TUẤN MINH - ĐỨC NGỌC

Do có tình trạng buông lỏng xử lý xe quá tải, một số địa phương không muốn làm, không muốn chống nên xe cơi nới thùng, chở quá tải trọng cho phép tung hoành trở lại

Ngày 21-11-2013, liên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Công an đã ký Kế hoạch số 12593/KHPH-BGTVT-BCA về phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải đối với ô tô vận tải hàng hóa. Sau hơn 2 năm triển khai, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương, xe quá tải đã giảm đến 92%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cùng lúc với việc 2 bộ kết thúc kế hoạch liên tịch, xe chở quá tải lại tung hoành khắp nơi.

Vô tư chạy trên đường

Tại Khu Kinh tế (KKT) Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe tải ra vào các nhà máy và cảng nước sâu Nghi Sơn. Có thời điểm, xe chở quá tải tung hoành trên nhiều tuyến đường dẫn vào KKT Nghi Sơn, gây bức xúc cho nhân dân. Sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa cho chuyển trạm cân lưu động về đặt tại giao lộ Nghi Sơn - Bãi Trành, “án ngữ” ngay lối vào KKT Nghi Sơn, tình trạng xe chở quá tải giảm hẳn.


Xe chở quá tải vô tư lưu thông trên Quốc lộ 7, tỉnh Nghệ An Ảnh: Đức Ngọc

Xe chở quá tải vô tư lưu thông trên Quốc lộ 7, tỉnh Nghệ An Ảnh: Đức Ngọc

Tuy nhiên gần đây, nhiều tuyến đường dẫn vào KKT Nghi Sơn như đường ven biển nối với tỉnh Nghệ An, Quốc lộ (QL) 1B được mở ra và xe tải chủ yếu chạy qua các tuyến đường này. Trạm cân đặt ngay đường dẫn vào KKT Nghi Sơn không còn phát huy hiệu quả, xe cộ qua trạm vắng bóng lạ thường. Theo ghi nhận, trên 2 tuyến đường trên, cách khoảng 10 phút có hàng chục lượt xe tải hạng nặng, cơi nới thùng, chở hàng hóa cồng kềnh phóng ầm ầm trên đường nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng CSGT hay thanh tra giao thông (TTGT).

Không chỉ KTT Nghi Sơn mà hầu hết các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, xe tải hạng nặng, xe chở cát, đá từ các khu mỏ, bãi tập kết vô tư lưu thông.. Thậm chí nhiều nơi có lực lượng CSGT tuần tra nhưng những chiếc xe này vẫn chạy qua bình thường mà không bị xử lý. Đơn cử là tại các huyện tập trung nhiều mỏ cát của tỉnh Thanh Hóa như Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc…, xe chở quá tải cày nát nhiều tuyến đường, đê.

Tại tỉnh Nghệ An, xe chở đất đá, hàng hóa quá tải xuất hiện nhiều trên QL 1, QL 46B, QL 48, QL 7, Tỉnh lộ 538... khiến đường sá bị hư hỏng nặng. Ông Phan Huy Chương, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Nghệ An, xác nhận xe chở quá tải có chiều hướng gia tăng trên địa bàn. Trước tình hình trên, ngày 27-2, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An đã ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra hoạt động phương tiện chở hàng hóa quá khổ giới hạn, quá tải trọng, vi phạm kích thước thành thùng xe, tái cơi nới kích thước thành thùng xe. “Chỉ sau hơn một tuần kiểm tra, đoàn đã xử lý 34 trường hợp vi phạm, tước GPLX từ 1-3 tháng 23 trường hợp” - ông Chương cho hay.

Ông Trịnh Ngọc Minh, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, cũng thừa nhận từ sau khi lực lượng CSGT rút khỏi đội kiểm tra liên ngành khi Kế hoạch 12593 kết thúc, lực lượng TTGT gặp nhiều khó khăn vì hiệu lực buộc thi hành của CSGT cao hơn. Ngoài ra, do lực lượng TTGT chỉ có trên 80 người phải căng trên rất nhiều tuyến đường nên không kiểm soát nổi.

Địa phương “buông”, không muốn xử lý

Ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ, đánh giá từ ngày 1-9-2016 đến nay, sau khi kết thúc Kế hoạch 12593, tình hình phương tiện vận tải vi phạm về kích thước thùng xe và chở quá tải trọng cho phép tại một số tỉnh, thành đang có chiều hướng tái diễn. Nguyên nhân là do có tình trạng một số địa phương, bộ, ngành buông lỏng xử lý, dẫn tới việc xe quá tải chạy đường dài không bị xử phạt, đặc biệt là trên QL 1. Đáng nói là các trạm cân kiểm soát tải trọng lưu động dọc QL 1 đã rút gần hết, chỉ còn lại một số ít địa phương vẫn duy trì như Nghệ An, Vĩnh Long…

Cũng theo ông Chung, một số địa phương không hiểu hoặc hiểu sai, cho rằng đã dừng toàn bộ kế hoạch phối hợp giữa ngành giao thông và công an trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý xe quá tải. “Hệ quả là sau khi lực lượng CSGT rút khỏi các trạm kiểm soát tải trọng xe, lực lượng thanh tra GTVT cũng rút về các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ nên các trạm cân xe lưu động trên QL 1 gần như bỏ trống. Rồi cũng có địa phương không muốn làm, không muốn chống xe quá tải vì… mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương” - ông Chung nhấn mạnh.

Trước tình hình xe quá tải hoành hành trở lại, từ cuối năm 2016, Tổng cục Đường bộ đã đề xuất Bộ GTVT tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị 32 ngày về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, trong đó Thủ tướng giao cụ thể trách nhiệm kiểm soát tải trọng xe cho chính quyền địa phương. Cụ thể, chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn.

“Nếu địa phương nào cũng làm chặt, quan tâm đến việc chống xe quá tải thì có trạm cân lưu động hay không vẫn dẹp được xe quá tải. Yếu tố cốt lõi vẫn nằm ở con người. Tuy nhiên, rõ ràng quy định tại Chỉ thị 32 chưa được các địa phương thực thi tốt. Xe quá tải, xe cơi nới thùng đang “nóng” trở lại và nếu các địa phương tiếp tục lơ là thì kết quả 3 năm chống xe quá tải sẽ đổ sông, đổ biển” - ông Chung nhìn nhận.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tháng 2-2017, cả nước có hơn 1.900 xe vi phạm tải trọng bị xử phạt với tổng số tiền trên 11 tỉ đồng; hơn 470 trường hợp bị tước GPLX.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo