Năm 2002, UBND tỉnh Tây Ninh ra quyết định di dời tái định cư 4 ấp đảo vùng hồ Dầu Tiếng thuộc huyện Dương Minh Châu, trong đó có đảo Nhím (nơi sẽ triển khai dự án tổ hợp phim trường-du lịch sinh thái) với mục đích bảo đảm môi trường sinh thái, giữ gìn trong sạch nguồn nước lòng hồ, ổn định phát triển cộng đồng dân cư, nâng cao mức sống hộ dân và làm tốt vai trò rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng.
Xây phim trường để bảo vệ nguồn nước?
Quyết định trên khi đó đã được các địa phương và ban, ngành liên quan khá ủng hộ vì đây là một sự tiến bộ và dứt khoát để bảo vệ an toàn và tạo điều kiện cho đơn vị quản lý trong công tác vận hành hồ Dầu Tiếng. Tiền đền bù vào thời điểm đó là 5 triệu đồng/ha, một phần đất tái định cư tại khu vực đường dân sinh của rừng phòng hộ huyện Tân Châu và một phần đất sản xuất.
Nhiều người dân đảo Nhím bức xúc khi hay tin tỉnh Tây Ninh cấp phép cho xây dựng phim trường trên đảo. Ảnh: THU SƯƠNG
Tổng kinh phí phục vụ công tác di dời là 32,6 tỉ đồng, trong đó chi phí đền bù, hỗ trợ là 11,6 tỉ đồng cho 319 hộ.
Ông Bùi Xuân Điện, một người dân từng sống ở đảo Nhím, bày tỏ: “Nghe nói đây là chủ trương lớn của Nhà nước nên tiếc đất đai màu mỡ, tiếc công khai phá lắm nhưng gia đình tôi vẫn ra đi. Vậy mà hơn năm trước nghe nói tỉnh giao đảo Nhím để làm khu du lịch. Cách giữ sạch nguồn nước gì kỳ vậy?”.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng đảo Nhím là đất công, người dân khai phá sản xuất nên không được đền bù mà chỉ hỗ trợ, thực tế cũng không có quy định, chính sách nào về việc hỗ trợ này nên phải làm theo cách riêng của tỉnh.
Về đất sản xuất, ông Nam cho biết dù diện tích canh tác tại đảo Nhím của mỗi hộ lớn nhỏ khác nhau nhưng được chia đều 0,1 ha/hộ vừa làm nhà ở vừa sản xuất.
“Người dân thấy đất trên đảo Nhím chưa làm gì nên tiếc quay trở lại canh tác thôi chứ không phải thiếu đất sản xuất. Tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh dự án để tránh tình trạng tái lấn chiếm đất đã giải phóng mặt bằng”- ông Nam nói.
Chưa giải quyết yêu cầu của Thanh tra Chính phủ
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, khu tái định cư của người dân đảo Nhím tại ấp Đồng Kèn, xã Tân Thành, huyện Tân Châu có diện tích 50,5 ha, gồm 396 lô, trong đó 320 lô có diện tích 0,1 ha (trục đường phụ) và 76 lô diện tích 0,04 ha (trục đường chính).
Năm 2007, làm việc với tỉnh Tây Ninh về giải quyết khiếu tố của công dân, Thanh tra Chính phủ nhận định: Hầu hết đất của các hộ dân bị thu hồi tại đảo Nhím là đất sản xuất nông nghiệp.
Trong khi tại khu tái định cư được cấp chủ yếu là đất ở, không có hoặc rất ít đất sản xuất, không được hỗ trợ vốn sản xuất, vốn chuyển đổi ngành nghề, nơi tái định cư xa trung tâm, lại chưa hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở nên người dân không biết làm gì để sinh sống, đời sống gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều hộ không có tiền để xài điện, nước sạch.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị tỉnh cần tạo điều kiện cho người dân có đủ đất để sản xuất. Song, từ đó đến nay mọi việc vẫn không được giải quyết nên người dân phải quay về đảo Nhím kiếm việc làm, còn khu tái định cư thì hầu hết đã có chủ mới.
Ông Trần Hữu Hậu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Tây Ninh, cho biết đất đảo Nhím giao cho nhà đầu tư là đất sạch, hầu hết hộ dân đã di dời xong, chỉ còn vài ba hộ nhưng cũng đã nhận tiền và chuẩn bị di dời.
Thế nhưng không như lời ông Hậu nói, những ngày đầu tháng 11, chúng tôi trở lại đảo Nhím dân cư vẫn đông đúc và hối hả làm việc như thể họ vẫn ở đây bao đời nay, khác chăng là những mái nhà xiêu vẹo thay cho nhà kiên cố và điều kiện sống tạm bợ hơn. Trong khi tỉnh đang xúc tiến dự án phim trường - khu du lịch để phát triển kinh tế thì nơi này, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn.
Bỏ xứ đi rồi lại quay về
Ông Võ Văn Đáp, hiện ngụ khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu, kể: Sau khi bị di dời, gia đình ông đến khu tái định cư với trong tay hơn 20 triệu đồng, cả nhà 6 người nhưng chỉ có 0,1 ha đất nên cuộc sống rất khó khăn đành phải khăn gói lên huyện Tân Biên (Tây Ninh) làm thuê, nhưng cũng không khá hơn nên cả gia đình quyết định trở lại đảo Nhím, trồng trọt trên vùng bán ngập.
“Nhờ miếng đất đó mà thu nhập hằng năm của gia đình tôi được khoảng 200 triệu đồng, tích góp mấy năm nay cũng mua được miếng đất để có chỗ chui ra chui vô và sắm đò chở khách”- ông Đáp bộc bạch. |
Bình luận (0)