Tháng 8-2010, tỉnh Tây Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tổ hợp phim trường - du lịch sinh thái của Tập đoàn An Viên (AVG).
Một năm sau, ngày 17-8-2011, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh mới có văn bản gửi Bộ NN-PTNT về việc bổ sung chức năng phục vụ phát triển du lịch của hồ Dầu Tiếng.
Vi phạm Quyết định 498/TTg của Thủ tướng
Trong văn bản, UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng tỉnh đã phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng và chấp thuận dự án của AVG.
Tuy nhiên, vì hồ Dầu Tiếng chưa có chức năng du lịch nên đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, bổ sung nhiệm vụ du lịch để làm cơ sở cho AVG lập và triển khai dự án.
Ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, xác nhận có nhận được văn bản nói trên của tỉnh Tây Ninh nhưng bộ chưa thể trả lời.
“Khai thác du lịch hồ Dầu Tiếng là việc nên làm nhưng du lịch theo loại hình gì, làm như thế nào, có ảnh hưởng gì đến môi trường hay không… phải có cách làm cụ thể. Hiện nay, một đơn vị của bộ đang phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Công ty Dầu Tiếng) lập dự án quy hoạch du lịch hồ Dầu Tiếng. Trên cơ sở đó mới xem xét vấn đề bổ sung mục đích du lịch”- ông Học nói.
Ông Phan Khánh, Tổng Thư ký Hội Thủy lợi TPHCM, phân tích: Theo Quyết định 498/TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ của hồ Dầu Tiếng là tưới trực tiếp cho 93.390 ha của Tây Ninh và TPHCM, tạo nguồn nước cấp - xả nước đẩy mặn - cải thiện môi trường cho ven sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và cấp nước công nghiệp cùng khu dân cư, không có nhiệm vụ phục vụ du lịch.
Nhiều nhà khoa học tỏ ra lo ngại cho sự an toàn của hồ Dầu Tiếng
khi triển khai xây dựng phim trường. Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Còn theo Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi phải bảo đảm tính hệ thống của công trình, không chia cắt theo địa giới hành chính, phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật và dự án đầu tư được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Mọi thay đổi tiêu chuẩn, quy mô, mục đích sử dụng của công trình thủy lợi đã có, việc xây dựng bổ sung công trình thủy lợi vào hệ thống công trình thủy lợi phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch, đồng thời phải có dự án đầu tư và phương án bảo vệ công trình được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, việc tỉnh Tây Ninh chưa được sự đồng ý của Chính phủ đã chấp nhận chủ trương đầu tư dự án phim trường đã vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi và làm trái Quyết định 498/TTg của Thủ tướng.
Kiến nghị không xây phim trường
Ông Khánh nhận xét thiết kế lũ của hồ Dầu Tiếng từ 23,1 - 25,4 m, các dự án xây dựng phải trên cao trình thiết kế lũ này. Nếu phim trường xây dựng từ cao trình 24,5 m, thấp hơn cao trình phòng lũ, là vi phạm thiết kế công trình Dầu Tiếng.
GS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Thủy lợi TPHCM, cho biết hội đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT và UBND TPHCM thông báo một số vấn đề về vận hành và quản lý hồ Dầu Tiếng.
Trong đó nhấn mạnh: Hồ Dầu Tiếng là một trong 3 hồ thủy lợi công trình trọng điểm quốc gia, không chỉ có chức năng tưới tiêu, tạo nguồn nước cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TPHCM mà còn điều tiết lũ và đóng vai trò quan trọng trong sự an toàn của hạ du. Vì thế, việc xây dựng phim trường trên đảo Nhím là không hợp lý.
Thứ nhất, khi nước lũ dâng cao, ngập đảo sẽ tạo thêm nhiệm vụ cứu hộ trong lũ cho ban quản lý hồ.
Thứ hai, số lượng người đông, phương tiện nhiều cũng đồng nghĩa với khối lượng xả thải lớn.
Thứ ba, lượng người ra vào nhiều cả trong lẫn ngoài nước nhưng không rõ nhân thân và quá trình quay phim sẽ lôi kéo đông người hiếu kỳ tụ tập… không kiểm soát về an ninh. Chính vì vậy, Hội Thủy lợi TPHCM kiến nghị không xây dựng phim trường.
Ba địa phương cùng quyết
Theo ông Phan Khánh, nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 của dự án cũng như quyết định phê duyệt nhiệm vụ của UBND tỉnh Tây Ninh có nhiều điểm chưa hợp lý.
Trong các căn cứ pháp lý không thấy đề cập Quyết định 190/TTg năm 1979 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ thiết kế hệ thống công trình hồ thủy lợi Dầu Tiếng và Quyết định 498/TTg của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh luận chứng kinh tế, kỹ thuật hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng.
Đây là 2 văn bản tiên quyết mà khi ra bất cứ quyết định nào liên quan đến hồ Dầu Tiếng phải xem xét .
Về quyền hạn phê duyệt dự án, thiết kế lũ của hồ Dầu Tiếng từ 23,1- 25,4 m, thêm 1 m cao trình cưỡng bức là 26,4 m, dự án xây dựng từ cao trình 24,5 m tức là nằm trọn trong lòng hồ chứ không phải là đất của riêng Tây Ninh.
Do đó, những thay đổi trong lòng hồ phải do 3 tỉnh, thành Tây Ninh, Bình Dương và TPHCM cùng quyết, huống gì đây là một dự án xây dựng lớn. |
Kỳ tới: Bất nhất
Bình luận (0)