xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xô bồ lễ hội: Nhạt nhòa truyền thống

MẠNH DUY

Những lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống như Hội Lim - quan họ Bắc Ninh, Hội Chợ Viềng - mua may bán rủi ở Nam Định... đang bị thương mại hóa và ngày càng nhạt nhòa

Không thể buộc các lễ hội văn hóa truyền thống phải luôn “cũ” như ngày xưa nhưng người trẩy hội vẫn mong chúng giữ được bản chất và vẻ đẹp tâm linh vốn có. Nhiều lễ hội danh tiếng đã đi vào tâm thức của người Việt nhưng giữ được cái hồn của chúng thật khó.
 
img

Hội Lim nhạt nhòa truyền thống khi các liền anh liền chị dùng thiết bị điện tử để biểu diễn quan họ

 
Hội Chợ Viềng thành... sới bạc
 
Hội Chợ Viềng (còn gọi là chợ Âm phủ) ở huyện Vụ Bản - Nam Định là lễ hội mang quan niệm độc đáo: Mua may bán rủi. Người đi chợ mua một vật dụng nào đó với quan niệm những đồ vật ấy sẽ mang lại may mắn cho mình suốt năm.
 
Hội Chợ Viềng năm 2011 vẫn mang theo quan niệm ấy nhưng theo một cách khác. Bên trong chợ, lấn át và đắt khách hơn cả là những... sới bạc! Những trò đỏ đen có đất dụng võ ở chợ Viềng cũng xuất phát từ quan niệm mua may bán rủi. Người đi chợ Viềng mong có lộc Xuân sớm nên đã lao vào những trò đỏ đen.
 

Một thanh niên quê ở Hải Hậu - Nam Định vốn bán cây cảnh và cây giống ở Hội Chợ Viềng nhưng mùa lễ hội năm nay, anh quyết định chuyển sang tổ chức “quay số có thưởng”. Anh tâm sự: “Cũng vì khó khăn mà tôi phải chuyển cách làm ăn. Tổ chức dịch vụ kiểu “xổ số” thế này kiếm tiền dễ và nhanh hơn”.

 
Ở Hội Chợ Viềng, chàng thanh niên này là người “thức thời” bởi bây giờ bán những mặt hàng truyền thống rất ế ẩm. Những sới bạc đã “hốt” hết khách.
 
Những vật dụng theo quan niệm cũ là mang lại may mắn khi đi chợ Viềng đã trở nên lạc hậu. Có lẽ cũng vì thế mà khoảng hai mùa lễ hội gần đây, du khách đến chợ Viềng không còn đông như trước. Uy tín của phiên chợ “bán rủi mua may” đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Hội Lim hết duyên
 
Một trong những bài hát nổi tiếng nhất của dân ca quan họ Bắc Ninh là Còn duyên với những lời ca: Còn duyên là duyên kẻ đón, đón người đưa/ Hết duyên là duyên đi sớm để về trưa, í trưa mặc lòng... Với Hội Lim, cái “duyên” là điều mà không lễ hội nào có được. Bản thân người đất quan họ cũng rất ý thức về chữ “duyên” ấy song Hội Lim đang đứng trước nguy cơ “hết duyên”.
 
Ông Nguyễn Văn Lộc, bậc cao niên ở huyện Tiên Du - Bắc Ninh và là một liền anh của mấy chục năm trước, rầu rĩ: “Hội Lim giờ so với trước đây thì rất vô duyên!”.
 
Theo ông Lộc, xưa kia các liền anh liền chị hát giao duyên trên bến dưới thuyền đâu có cầm micro như hiện nay. Lối hát quan họ xưa cũng không biểu diễn trên sân khấu như những gì người ta thể hiện ở Hội Lim vài năm gần đây.
 
Thậm chí bây giờ, người ta còn dùng loa để sân khấu này thi với sân khấu khác xem bên nào hát to hơn! Chưa kể, có nhiều người mặc áo tứ thân quan họ đứng thành hàng dài để bán đĩa nhạc, thu tiền nhoay nhoáy...
 
img

Nhiều người mặc áo tứ thân quan họ đứng thành hàng dài để bán đĩa nhạc, thu tiền. Ảnh: DŨNG MINH

 
Người ở những làng quan họ nổi tiếng như Đào Xá, Đặng Xá, Thanh Sơn, Thị Cầu... không phải không nhìn thấy những điều ấy nhưng chỉ những nghệ nhân quan họ thôi thì không đủ sức cứu Hội Lim.
 
Năm 2010, Hội Lim đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới nên rất nhiều người chờ đợi ở Hội Lim 2011 này một sự thay đổi.
 
Một tín hiệu vui đã đến khi ban tổ chức lễ hội quyết định từ năm 2011, Hội Lim sẽ trở lại lối diễn xướng cổ của quan họ ngày xưa. Nghĩa là các sân khấu quan họ, các lán hát không dùng micro, loa và các thiết bị điện tử làm méo âm thanh mượt mà của các làn điệu dân ca.
 
Ông Nguyễn Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội Lim, đã khẳng định quyết tâm “giữ duyên” cho quan họ Bắc Ninh.
 
Ban tổ chức lễ hội đất Kinh Bắc này cũng đã quyết định từ nay sẽ tiết kiệm triệt để với hai năm mới tổ chức đám rước một lần. Đồng thời, kiểm soát chặt hơn tình trạng dịch vụ bát nháo để tăng cường các trò chơi dân gian truyền thống như đánh đu, bịt mắt bắt dê, cờ người...
 
Nghiên cứu cách xã hội hóa lễ hội
 
Theo ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong số 5 loại hình lễ hội đang tồn tại trong đời sống xã hội: lịch sử, cách mạng, dân gian, tôn giáo và du nhập từ nước ngoài thì lễ hội dân gian chiếm tới 80% về số lượng và hầu như ở địa phương nào cũng có tổ chức. “Lễ hội dân gian phải được phân cấp theo diện Nhà nước quản lý và địa phương quản lý. Hiện nay, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những phương án xã hội hóa lễ hội một cách hiệu quả nhất. Ở đâu làm tốt thì nên giao cho người dân làm, ở đâu người dân làm chưa tốt thì địa phương phải tham gia phối hợp, định hướng” – ông Bảo nhấn mạnh.
 
Ông Bảo cho biết trong đợt cao điểm diễn ra lễ hội Xuân Tân Mão này, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ lập các tổ công tác để đi kiểm tra, đôn đốc và rà soát tình hình lễ hội ở các địa phương, nhất là thực hiện nghiêm công điện của Thủ tưởng Chính phủ về tránh lãng phí, phô trương.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo