Nay, con số ấy còn 34.275 tỉ đồng (khoảng 1,7 tỉ USD), dù đã rút bớt vẫn tiếp tục khiến nhiều người xót ruột.
Đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông được Bộ GD-ĐT trình bày hôm 14-4 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội khiến nhiều đại biểu băn khoăn về khoản kinh phí ước tính 34.275 tỉ đồng và cả nội dung, phương thức thực hiện. Các chuyên gia giáo dục cho rằng chỉ cần khoảng 100 tỉ đồng cho một bộ SGK chương trình khung.
Trong một hội thảo về đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng cả 3 lần cải cách giáo dục đều có mục tiêu và định hướng rõ ràng nhưng không giải quyết được các yếu kém của ngành giáo dục vì nặng về việc đổi mới chương trình mà chưa chú trọng đến đổi mới phương pháp dạy và học. Do đó, yêu cầu căn bản nhất của ngành giáo dục là đổi mới phương pháp dạy và học.
Yêu cầu đó nghe đơn giản nhưng thực hiện lại rất khó khăn khi phải đổi mới toàn diện từ SGK, đào tạo giáo viên, đổi mới thi cử đến cơ sở vật chất… Trong đó, yêu cầu đổi mới chương trình SGK được xem là quyết định cho sự thành công của đợt cải cách giáo dục lần này.
Việc đổi mới SGK, quốc gia nào cũng phải làm. Về mặt khoa học, chu kỳ “sống” của chương trình, SGK phổ thông chỉ khoảng 10-15 năm. Ở nước ta, tính từ chương trình cải cách giáo dục năm 1981 đến lúc triển khai SGK hiện hành đã 21 năm. Nói hóm hỉnh như lời ví von của GS Văn Như Cương: “SGK của chúng ta như chiếc váy dài, trong khi trào lưu của thế giới là đang ngắn dần lên!”.
Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT không chỉ có SGK. Yêu cầu đổi mới phương thức dạy và học cũng rất quan trọng. Yêu cầu này đặt ra nhiệm vụ lớn cho ngành sư phạm. Tuy nhiên, lâu nay, việc đào tạo của ngành sư phạm bị buông lỏng, không thu hút được người giỏi. Thầy không giỏi thì chất lượng đào tạo cũng khó được nâng cao.
Về cơ sở vật chất, 20% GDP mà Chính phủ đầu tư cho giáo dục là con số ấn tượng. Đó là chưa kể đến các dự án vốn ODA cho giáo dục, của các tổ chức phi chính phủ, các khoản vay khác… Dù vậy, theo như lời Bộ GD-ĐT, vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục chưa đủ chuẩn để thực hiện đổi mới giáo dục.
Giải pháp cho hàng loạt khó khăn về cơ sở giáo dục, chất lượng giáo viên, chương trình đào tạo... được Bộ GD-ĐT đúc kết bằng con số hơn 34.000 tỉ đồng trong đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT” mới trình. Thế nhưng, đề án được xem là khâu đột phá thay đổi chất lượng giáo dục Việt Nam lại gây nhiều âu lo hơn khi dư luận cảm thấy chính Bộ GD-ĐT vẫn còn loay hoay trong những bài toán khó giải. Nói như một đại biểu Quốc hội, Bộ GD-ĐT cứ loay hoay đổi mới từ năm 2000 đến nay nhưng không biết đi đến đâu, về đâu!
Bình luận (0)