Ngày 29-11, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 cho ý kiến về một số nội dung cơ bản triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (Nghị quyết trung ương 4).
Chặn lợi ích nhóm, sân sau…
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đề xuất một số nhóm giải pháp về công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình đối với các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết trung ương 4.
Cụ thể, về nhóm giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế xin - cho, duyệt - cấp, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, quản lý và sử dụng biên chế…
Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nội vụ kiến nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ. “Tổng kết và đánh giá, sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu” - ông Tân nhấn mạnh.
Cùng vấn đề này, trong phần trả lời báo chí bằng văn bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định hiện hành để xem xét hướng xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Bịt mọi sơ hở
Trong phiên họp, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đưa ra các giải pháp về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính như chấm dứt ngay tình trạng tổ chức ăn uống, liên hoan, gặp mặt khi hội họp, được đề bạt, bổ nhiệm..., gây phản cảm trong xã hội.
Đặc biệt, cần tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất, không cần chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát tăng giảm tài sản của cán bộ, công chức. Ngân hàng Nhà nước cần chủ trì xây dựng đề án tăng cường hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng thực hiện nghị quyết này cần có sự phân công rõ ràng, đặc biệt phải quan tâm đến việc phòng chống tham nhũng qua cơ chế, chính sách, không để tồn tại việc móc ngoặc giữa nhóm lợi ích kinh tế và quan chức nhà nước trong ban hành cơ chế, chính sách để ban phát và “lại quả” cho nhau. Theo Phó Thủ tướng, phải tổng kết Nghị quyết trung ương 3 và sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng với việc cần đưa hết những vấn đề “nóng” này vào trong luật với chế tài mạnh mẽ hơn nhằm bịt mọi sơ hở có thể phát sinh tham nhũng. Đồng thời, kiên quyết xử lý và trừng trị tội phạm tham nhũng.
Không biếu xén, phong bao cho lãnh đạo
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chống mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội.
“Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ - ngành. Các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết, ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bình luận (0)