Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, vừa ký công văn trả lời cấp có thẩm quyền về việc nghiên cứu quy trình kỷ luật hành chính cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Chỉ có thể cảnh cáo
Ông Nguyễn Đình Quyền cho biết qua nghiên cứu hệ thống pháp luật thì còn “lỗ hổng” về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm khi không còn trên cương vị công tác. Dù vậy, có thể vận dụng khoản 1, điều 80 của Luật Cán bộ, công chức 2008 về “Thời hiệu xử lý kỷ luật” để làm cơ sở pháp lý kỷ luật hành chính ông Vũ Huy Hoàng.
Theo đó, luật này quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm cán bộ công chức có hành vi vi phạm. Việc áp dụng kỷ luật theo điều này có 4 hình thức gồm: “khiển trách”, “cảnh cáo”, “cách chức”, “bãi nhiệm”.
Ông Nguyễn Đình Quyền đề xuất: “Cần tính kỹ để lựa chọn hình thức kỷ luật phù hợp. Vì “cách chức”, “bãi nhiệm” thì không hợp lý vì hiện ông Hoàng đã không còn giữ chức vụ nào”. Hình thức kỷ luật phù hợp nhất là “cảnh cáo”. Quy định trong Luật Cán bộ, công chức chỉ quy định thời hạn kỷ luật chứ không nêu rõ là không áp dụng với người đã về hưu hay không, do đó vẫn áp dụng được đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Ông Quyền cho rằng đối với việc cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng, cấp nào bổ nhiệm thì cấp ấy sẽ thực hiện. Trường hợp ông Hoàng do Quốc hội (QH) phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm nên Chủ tịch nước sẽ là người thực hiện kỷ luật cảnh cáo với ông Vũ Huy Hoàng.
Chưa có tiền lệ
Bên lề QH ngày 18-11, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định việc QH phê phán ông Vũ Huy Hoàng qua truyền hình trực tiếp trước diễn đàn QH, trước đồng bào cả nước là biểu thị quan điểm rất cao. “Thể hiện quan điểm như thế theo tôi là thỏa đáng. Có thể coi như một thông điệp là sắp tới đây phải có những chế tài với những cán bộ sai phạm, dù đương chức hay nghỉ hưu” - Tổng Thư ký QH bình luận. Theo ông Phúc, hình thức phê phán này là rất cao, trước nay chưa từng có trường hợp nào QH phê phán như thế cả.
Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Đình Quyền, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết QH cũng chỉ phê chuẩn chức danh trên đề nghị của Chính phủ, nên QH không phải là cơ quan thực hiện kỷ luật hoặc “cách chức” nếu có. Thừa nhận hiện nay chưa có chế tài xem xét đối với cán bộ cấp cao nghỉ hưu nhưng ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thời gian tới phải có những sửa đổi để có chế tài. Việc xử lý phải bảo đảm tính pháp lý, pháp luật. Còn các hình thức xử lý khác, hiện đang giao cho Chính phủ, cơ quan hành pháp nghiên cứu.
Phải sửa quy định
Mở rộng ra, trường hợp nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nói “sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật” liên quan đến vụ việc Formosa xả thải, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng vì chưa có kết luận gì nên giờ nói thì “hơi sớm”. Song, qua việc này thì thấy rằng cần có những chế tài, phải sửa quy định để làm sao đối với những cán bộ lãnh đạo vi phạm, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, cũng đều bị xử lý.
Bình luận (0)