Rõ ràng là rất đông “lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật” đang thất nghiệp hoặc vì thị trường trong nước không dung nạp nổi bởi ít việc làm hoặc do lực lượng lao động ấy không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Như thế, nghĩa là chất xám tiếp tục “chảy” ra nước ngoài, bất chấp bao nhiêu cấp, ngành, địa phương đã hàng chục năm nỗ lực ngăn chặn. Xuất khẩu lao động nếu hiệu quả hẳn sẽ đem về ngoại tệ (kiều hối) song lực lượng lao động có trình độ ấy lẽ ra phải được tin dùng trong nước.
Theo Tổng cục Thống kê, dân số năm 2016 của cả nước ước khoảng 92,70 triệu người. Trong đó, lực lượng trong độ tuổi lao động khoảng 47,7 triệu người, tăng 275.900 người so với năm 2015. Việt Nam vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng (số người trong độ tuổi lao động lớn hơn nhiều số người phụ thuộc), nếu không có giải pháp tạo ra nguồn việc làm căn cơ, hàm lượng tri thức cao, tăng năng suất lao động... trước khi bước sang giai đoạn già hóa dân số thì tình trạng thất nghiệp sẽ bức bách hơn nữa, gây áp lực nặng nề lên việc điều hành chính sách vĩ mô và làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội không dễ giải quyết.
Và còn một nỗi buồn khó tả nữa, dù không muốn nói ra và dẫu cho đề án nói trên trong tương lai thành công, cũng phải thừa nhận rằng hàng chục năm qua chúng ta đã xài tiền rất lãng phí. Lãng phí ngay từ khâu đào tạo. Khoảng 330.000 người có trình độ từ cao đẳng, đại học đến sau đại học đang thất nghiệp tức là nguồn kinh phí khổng lồ đào tạo “chuyên môn kỹ thuật” cho chừng ấy con người trong nhiều năm do chính gia đình họ bỏ ra và ngân sách nhà nước chu cấp có nguy cơ mất hẳn. Ngay cả khi họ muốn ra nước ngoài làm việc thì trước đó phải được đào tạo lại hoặc đào tạo thêm mới đủ điều kiện xuất khẩu lao động. Việc đào tạo tiếp theo này cũng sẽ gây tốn kém không nhỏ. Thế thì lãng phí chồng lãng phí!
Đặt vấn đề đến đây thì bất cứ ai cũng sẽ chờ tìm lời giải thích từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại sao cuộc chạy đua mở trường đại học và đào tạo cử nhân, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, vẫn diễn ra ào ạt? Trong lúc hàng trăm ngàn lao động bậc cao kia đang đói việc thì hàng ngàn “lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật” tiếp tục ra lò, vậy họ sẽ đi đâu, về đâu?
Đó là chưa đề cập viễn cảnh bi quan này: “Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật” của Việt Nam không được thị trường nước ngoài chấp nhận hoặc tiếp nhận rất ít do năng lực yếu, kỹ năng thiếu hoặc nhu cầu có hạn; cũng không loại trừ tình huống lao động bậc cao nhưng sang nước bạn chỉ có thể làm công việc của lao động phổ thông. Dù có vì nguyên nhân nào đi nữa, chúng ta chỉ có thể tự trách mình bởi khâu dự báo, quy hoạch nguồn nhân lực trong nước đã sai lệch, để cho cung vượt cầu quá xa; nhà trường thì vẫn dạy rất nhiều môn học viển vông, vô bổ...
Bình luận (0)