Hội thảo "Hiệu trưởng - người gieo mầm hạnh phúc" nhằm nâng cao nhận thức trong việc xây dựng môi trường học tập vui vẻ, nhân ái tại Việt Nam đã diễn ra ngày 20-5 tại Hà Nội.
Dự án Trường học Hạnh phúc được Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) hợp tác với Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai với mục tiêu đào tạo 10.000 hiệu trưởng trường phổ thông có hiểu biết khoa học và các kỹ năng xây dựng thành công mô hình trường học hạnh phúc tại ngôi trường của mình.
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - cho hay giai đoạn 1 của dự án đã có 1.245 hiệu trưởng của 7 tỉnh, thành tham gia chương trình tập huấn trực tiếp. 100% hiệu trưởng đã áp dụng kiến thức, kỹ năng trong thực tiễn điều hành quản lý trường học với việc thay đổi nhận thức về trường học hạnh phúc. Theo đó, hạnh phúc không gắn với thành tích. Hạnh phúc là quá trình trường học thay đổi dựa trên sự phát triển của mỗi cá nhân, mối quan hệ, điều kiện làm việc, cải tiến quy trình... và quan trọng là thúc đẩy tình yêu học tập, yêu công việc.
Ông Đặng Tự Ân, Chủ tịch Hội đồng Quản lý kiêm Giám đốc VIGEF, cho rằng chất lượng hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông phụ thuộc nhiều vào năng lực, kinh nghiệm quản lý của hiệu trưởng. Ông thẳng thắn chỉ ra thực tế ở các trường là quyền lực cao nhất nằm trong tay hiệu trưởng. "Khi cơ chế còn nặng xin - cho, làm việc theo cảm tính thì hệ quả sẽ tạo ra những giáo viên "câm nín", không dám có ý kiến trái chiều. Vì thế, xây dựng môi trường học đường ấm áp, thân thiện, an toàn, dân chủ, không bị "bắt nạt", không chỉ có ý nghĩa với học sinh mà với cả giáo viên" - ông Ân chỉ rõ.
Chủ tịch VIGEF cho rằng hiệu trưởng cần đối thoại cởi mở, dân chủ với giáo viên và học sinh. Giáo viên thì tạo cho học sinh nếp sống văn hóa, dân chủ, bình đẳng trong trường học. Hãy coi sự tiến bộ của học trò và thay đổi của mỗi lớp là thước đo năng lực của thầy cô giáo và đó cũng là thước đo chất lượng của trường.
"Việc của nhà lãnh đạo nhất quán là mang lại sự tự do, toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về công việc cho nhân viên với tinh thần tự giác cao. Ngược lại, họ luôn được hiệu trưởng sẵn sàng hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm cùng với sự khích lệ và động viên" - ông Ân nhấn mạnh.
Nếu hình dung nhà trường là một xã hội thu nhỏ và để xã hội ấy hạnh phúc thì hiệu trưởng, với vai trò người lãnh đạo cao nhất, cần thay đổi tư duy, cách nghĩ, quan điểm quản trị, cách thức điều hành. Cụ thể, họ phải chuyển từ tư duy quản lý, mệnh lệnh, hành chính sang tư duy phục vụ, đặt lợi ích, sự hài lòng của "khách hàng" lên hàng đầu. Do đó, ông Ân cũng lưu ý vấn đề mấu chốt cuối cùng nằm ở việc hiệu trưởng có dám tự nhìn nhận, dám bước ra khỏi "vùng an toàn" và thay đổi hay không. Trên thực tế, đây là điều vô cùng khó khăn.
"Bên cạnh "lực đẩy" về hệ điều hành, không thể thiếu "lực kéo" là hệ giá trị. Tầm nhìn chiến lược, khát khao đạt đến sẽ dẫn dắt người chèo lái con thuyền giáo dục mỗi nhà trường đi đúng hướng và cán đích" - Chủ tịch VIGEF kỳ vọng.
Bình luận (0)