Phóng viên: Thưa bà, với chương trình giao lưu nghệ thuật "Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc" lần thứ 9 năm 2022, Ban Tổ chức mong muốn gửi gắm thông điệp gì?
- Bà TRẦN KIM YẾN: Chủ quyền biên giới, biển đảo Tổ quốc cùng việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội luôn là nội dung trọng tâm được Đảng, Nhà nước, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm trong nhiều năm qua. Chương trình giao lưu nghệ thuật "Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc" lần thứ 9 do Ủy ban MTTQ TP HCM và Đài Truyền hình TP HCM phối hợp tổ chức là một trong những hoạt động ý nghĩa; là lời hiệu triệu để mọi người cùng siết chặt tay, đoàn kết, tạo nên thành trì vững chãi để gìn giữ, bảo vệ một dải non sông.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM
Với những ca khúc về biển đảo, tình yêu quê hương đất nước được trình bày bởi các ca sĩ đã từng đến Trường Sa, các điểm đảo Tây Nam của Tổ quốc và sự tham dự của các chiến sĩ biên phòng, hải quân, chương trình góp phần tăng cường mối quan hệ, tình đoàn kết quân dân. Thông qua chương trình, Ủy ban MTTQ TP HCM kêu gọi sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài... đóng góp cho Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc" của thành phố.
Dịp này, Báo Người Lao Động tặng Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc" 100 triệu đồng cùng 100.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Đây có thể coi là món quà ý nghĩa với Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc", thưa bà?
- 100.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" do Báo Người Lao Động trao tặng chính là một món quà đặc biệt đối với Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc". Những lá cờ Tổ quốc thể hiện niềm tin, ý chí và khát vọng khẳng định chủ quyền thiêng liêng trên đất liền cũng như trên biển. Thông qua đó, tấm lòng, tình cảm của đất liền sẽ đến với quân và dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ tại biên giới, hải đảo xa xôi. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển khơi cũng chính là điểm tựa tinh thần để ngư dân, chiến sĩ vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao cờ cho đại diện gia đình ngư dân tại tỉnh Trà Vinh ngày 28-6-2020. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kế hoạch sử dụng 100.000 lá cờ Tổ quốc mà Báo Người Lao Động vừa trao tặng ra sao?
- 100.000 lá cờ Tổ quốc sẽ đồng hành với công tác chăm lo, hướng đến biển đảo do Ủy ban MTTQ TP HCM thực hiện. Chúng tôi sẽ trao cờ đến tận tay ngư dân, người dân đang sinh sống ở các đảo, lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trên biển cũng như quân và dân tại các khu vực biên giới trên đất liền.
Tôi tin chắc rằng khi nhận cờ Tổ quốc, mỗi người dân, chiến sĩ đều trào dâng niềm xúc động, niềm tự hào dân tộc và thêm quyết tâm bảo vệ Tổ quốc ta bởi đã có hàng triệu tấm lòng luôn hướng về họ.
Bà có thể chia sẻ cảm nhận về chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cùng hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" và "Cờ Tổ quốc biên cương" do Báo Người Lao Động phát động, thực hiện?
- Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" cùng hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" và "Cờ Tổ quốc biên cương" đã để lại nhiều tiếng vang và hiệu ứng tích cực trong xã hội. Chương trình có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, tập hợp được sự đoàn kết của người dân mọi miền. Thông qua chương trình, mỗi công dân đều có cơ hội thể hiện vai trò, trách nhiệm với Tổ quốc.
Chương trình đã tiếp thêm sức mạnh, làm ấm lòng ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi, truyền đi thông điệp: Ngư dân không đơn độc.
Đặc biệt, không chỉ hướng về biển đảo, những lá cờ Tổ quốc còn đến với vùng biên cương xa xôi, những con đường quen thuộc, từ đó tô đậm tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc trong mỗi người dân.
Bình luận (0)