Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều 5-5, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), xác nhận đến thời điểm hiện nay, tất cả 12 cựu quan chức đã ký vào biên bản bàn giao, trả lại nhà công vụ cho Bộ Xây dựng.
Chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) - nơi 12 cựu quan chức chậm trả lại nhà công vụ
Trước đó như Báo Người Lao Động đã thông tin, Bộ Xây dựng nhiều lần ký thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), tuy nhiên các cựu quan chức này vẫn chưa chịu trả nhà.
12 cựu quan chức thuộc các cơ quan trung ương gồm: 2 cựu phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; 1 cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương; 3 cựu phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; 1 cựu phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 1 cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 1 cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 1 cựu thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, 1 cựu tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), 1 cựu tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, từng đăng đàn trên nghị trường về việc "tham nhũng biệt thự công và nhà công vụ". Ông cảnh báo có rất nhiều cán bộ cấp cao về nghỉ hưu nhưng không trả nhà công vụ.
Khi báo chí đăng thông tin 12 cựu quan chức cấp cao chưa chịu trả nhà công vụ vừa qua, ông Lê Như Tiến đề nghị phải công khai tên tuổi và nói rõ chức danh là gì. "Nhà công vụ là tài sản của nhân dân, của đất nước. Nhà công vụ giao cho quan chức trong thời gian tạm thời, nếu có quyết định về hưu rồi mà vẫn không trả nhà công vụ thì có thể coi là hành động chiếm đoạt tài sản của nhà nước" - ông Tiến nói.
Theo ông Lê Như Tiến, việc này đã để lại hình ảnh rất xấu của cán bộ, công chức - những người từng giữ chức vụ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Do đó, có thể xem xét nếu phạm vào luật hình sự chiếm dụng tài sản công thì phải truy tố trách nhiệm hình sự chứ không chỉ vận động hay đề nghị.
Trả nhà chậm nhất 90 ngày
Theo điều 34, Luật Nhà ở năm 2014, người thuê nhà ở công vụ có các nghĩa vụ trả lại nhà ở công vụ cho nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ.
Theo điều 84, Luật Nhà ở, trường hợp người đang thuê nhà ở thuộc diện bị thu hồi không bàn giao lại nhà ở thì cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở quyết định cưỡng chế thu hồi. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi.
Bình luận (0)