Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (đứng), chủ trì buổi họp
Chiều 5-11, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã triệu tập cuộc họp khẩn bàn biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống hồ chứa, đồng thời ứng phó với tình hình mưa lũ rất nghiêm trọng đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, sau khi bão số 12 đổ bộ vào nước ta.
Hồ đầy nước, sông đầy nước, vùng trũng đầy nước
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh nước ta vừa phải gánh chịu cơn bão số 12 - một cơn bão rất mạnh, kèm theo mưa rất lớn đổ bộ thẳng vào khu vực Nam Trung Bộ nước ta. Dù hiện nay trung ương và địa phương đang phải gồng mình khắc phục hậu quả cơn bão, tuy nhiên vẫn phải họp để rút kinh nghiệm ứng phó với tình hình ngập úng, mưa, tình hình nguy hiểm các hồ chứa.
"Bão số 12 đổ bộ mang theo một lượng mưa rất lớn và đổ bộ thẳng vào vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt là Khánh Hoà - một vùng rất nhiều năm không có bão vào, nên gây thiệt hại rất lớn về người và của. Hoàn lưu gây mưa của bão số 12 trên diện rất rộng và thời gian kéo dài. Và hiện nay và trong vài ngày tới vẫn tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng"- ông Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trước cơn bão số 12, do tác động của áp thấp nhiệt đới, cùng với không khí lạnh, đã gây ra mưa rất lớn ở khu vực này, dẫn đến tình trạng các sông, hồ chứa, vùng trũng đều đầy nước.
"Sau bão số 12, chúng ta đang phải đối mặt ngay với một hiểm hoạ, có thể nói là lớn nhất hiện nay ở cả 4 khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ: hồ đầy nước, sông đầy nước, sông đầy nước, vùng trũng đầy nước trên toàn khu vực"- ông Cường lưu ý.
"Diễn biến mưa vùng này đang diễn biến rất nguy hiểm. Tốc độ nước từ thượng nguồn đổ về các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện vẫn lớn hơn rất nhiều so với khả năng xả. Đây là điều rất nguy hiểm, đáng lo ngại"- ông Cường bày tỏ.
Báo cáo về tình hình mưa lũ, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Trung ương, cho biết trong 2 ngày qua, hoàn lưu bão số 12 đã gây mưa rất to ở khu vực miền Trung, có nơi lên đến 600 mmm.
"Dự báo Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ tiếp tục có mưa 200-300 mm. Khu vực Kon Tum, Gia Lai mưa khoảng hơn 100 mm. Tới thời điểm này, dự báo cường độ mưa có xu hướng giảm hơn so với mấy ngày qua nhưng mức giảm không nhanh. Mưa phải đến 7-11 mới giảm mạnh"- ông Hoàng Đức Cường nói.
Về lũ, với lượng mưa rất lớn, Phú Yên, Khánh Hoà đã có lũ phổ biến trên báo động 3. Hiện tại từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, lũ đang lên rất nhanh; từ Bình Định đến Tây Nguyên đang xuống chậm.
"Dự báo trong thời gian tới, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục lên nhanh, khu vực trọng điểm có thể trên báo động 3 hơn 1m. Đặc biệt nhất, ở khu vực Thừa Thiên-Huế lũ tiếp tục lên trên báo động 3 ở sông Bồ, sông Hương. Ngập lụt sâu trên diện rộng ở các huyện Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, TP Huế"- ông Cường nhấn mạnh.
"Tại tỉnh Quảng Nam, sông Vu Gia, Thu Bồn trên báo động 3. Ngập lụt sâu trên diện rộng ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên. Tại tỉnh Quảng Ngãi, nước sông Trà Khúc cũng lên trên báo động 3, ngập lụt Mộ Đức, Sơn Tịnh, Minh Long..."- ông Cường cho hay.
Ngập lụt khắp miền Trung
Ông Trần Quang Hoài, Uỷ viên Thường trực Ban chỉ đạo, cho biết mưa rất to, đặc biệt to đã gây ngập lụt nghiêm trọng ở khu vực các tỉnh miền Trung.
Tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, hơn 80% đường giao thông bị ngập sâu từ 0,2-0,4m, cục bộ có điểm ngập sâu 0,6 m gây ách tắc giao thông. Tại huyện Phong Điền, tỉnh lộ 17 đi Phong Mỹ bị ngập nhiều đoạn với chiều dài hơn 1,5 km, độ sâu ngập trung bình từ 0,8-1,5m; tuyến Quốc lộ 49 đoạn qua xã Phòng Bình ngập sâu từ 0,3-0,5 m với chiều dài 300-500 m.
Thị xã Hương Thủy ngập diện rộng với tổng diện tích ngập ước tính hơn 40%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4-0,8 m, cục bộ có nơi ngập sâu từ 0,8-1,2 m. Huyện Phú Vang: nhiều tuyến đường bị ngập từ 0,2-0,4 m, gây khó khăn cho giao thông đi lại. Tại huyện Phú Lộc: từ 1 giờ - 2 giờ sáng ngày 5-11, tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì bị ngập sâu từ 0,6-0,7 m, kéo dài từ Cầu Hai đến UBND xã Lộc Trì, gây ách tắc giao thông.
Huyện A Lưới có 20 hộ dân tại xã Sơn Thủy bị ngập, nước tràn vào nhà. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ bị ngập sâu khoảng 0,6 m, các tuyến đường bị ngập sâu đã bố trí rào chắn và đảm bảo giao thông
Tỉnh Quảng Nam, huyện Điện Bàn có 15/22 xã ngập sâu trung bình 0,3-0,7 m, sâu nhất là 1,0 m. Huyện Đại Lộc 18/18 xã ngập sâu trung bình từ 0,7-1,0 m, sâu nhất 1,5 m. Huyện Duy Xuyên 11/14 xã ngập sâu trung bình từ 0,7-1,2 m, sâu nhất 1,5 m. Thành phố Hội An 8/09 xã, phường ngập sâu trung bình từ 0,5-1,0 m, sâu nhất 1,5 m.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 17 xã thuộc 4 huyện bị ngập sâu trung bình 1,5m; TP Quảng Ngãi ngập sâu trung bình 0,3-0,4 m. Trong đó, huyện Sơn Hà đã tổ chức di dời 114 hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập đến nơi an toàn.
Tỉnh Bình Định hiện có 11 xã, phường thuộc 4 huyện, thành phố bị ngập sâu từ 0,3-0,5 m.
Về tình hình hồ chứa thuỷ điện, khu vực Bắc Trung Bộ có 4 hồ đang phải vận hành xả qua tràn; khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ có 14 hồ; khu vực Tây Nguyên 17 hồ; khu vực Đông Nam Bộ có 1 hồ. Về hồ chứa thủy lợi, Khu vực Bắc Trung Bộ có 2 hồ đang vận hành xả lũ; Khu vực Nam Trung Bộ 13 hồ.
Lên kịch bản xấu nhất để ứng phó
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng hiện nay tất cả các lưu vực sông; các hồ chứa từ Bắc Trung bộ đến Nam trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam Bộ đều rất nguy hiểm vì đầy nước và nếu tiếp tục mưa lớn sẽ "vượt quá sức chịu đựng".
Do đó, yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn trung ương liên tục cập nhật số liệu, đưa ra dự báo sát hơn trong phạm vi phẹp. "Đây là việc rất khó nhưng cố để làm"- ông Cường nói.
Yêu cầu ban chỉ huy các địa phương căn cứ bản tin dự báo, chỉ đạo của trung ương cần biên tập lại để tuyên truyền cho dân dễ hiểu và đạt hiệu quả cao trong ứng phó để giảm thiệt hại.
Ông Cường cũng yêu cầu Ban chỉ đạo từ trung ương đến địa phương cần tập trung toàn bộ nhân lực để ứng phó.
Về ban chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng các kịch bản cụ thể, kể cả kịch bản xấu nhất, cực đoan nhất từng lưu vực, từng địa bàn cụ thể. "Chẳng hạn nếu tiếp tục mưa rất to, buộc phải xả nước hồ chứa nữa để đảm bảo an toàn hồ đập thì hạ du sẽ như thế nào. Phải lên kịch bản như vậy để huy động tổng lực lượng xây dựng kế hoạch, nếu không nước đến chân nhảy không kịp"- ông Cường nhắc.
Ông Cường cũng giao Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng ngay sáng mai 6-11, dẫn 3 đoàn công tác đi vào miền Trung để chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ.
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 13 giờ ngày 5-11, mưa lũ sau bão số 12 đã làm 29 người chết; 29 người mất tích; 626 nhà bị sập; 4.425 ha lúa, 25.212 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 228 tàu cá bị chìm, hư hỏng; 1.491 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại.
Bình luận (0)