Liên quan việc Tổng Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu ngưng hoạt động 3 trạm BOT do chậm triển khai ký kết thu phí tự động không dừng (ETC), gồm trạm BOT Bắc Hải Vân, BOT Cam Thịnh và BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Hiệp hội) ngày 6-7 đã phát đi thông cáo báo chí nêu nhiều vấn đề.
Phía hiệp hội này khẳng định chủ trương thu phí tự động không dừng ở các trạm BOT là hoàn toàn đúng đắn, giúp các phương tiện tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt là đảm bảo an ninh trật tự và tránh nguy cơ ùn tắc giao thông tại các trạm BOT.
Tuy nhiên, việc hiện nay Tổng Cục đường bộ Việt Nam đang triển khai, phía hiệp hội trên cho rằng không phù hợp, nhiều điểm trái quy định cũng như những thỏa thuận hợp pháp ở các Hợp đồng BOT, Hợp đồng tín dụng..., giữa doanh nghiệp (DN) dự án/nhà đầu tư cùng các bên liên quan.
Theo Hiệp hội, việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC và yêu cầu các DN dự án/nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng BOT điều chỉnh theo nội dung này (bao gồm cả việc ấn định % doanh thu phải trích lại từ doanh thu BOT cho đơn vị vận hành ETC) có nhiều bất cập. Cụ thể như chưa có sự thoả thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để điều chỉnh hợp đồng BOT. Vì vậy, khi điều chỉnh hoặc thay đổi các yếu tố ảnh hưởng đến hợp đồng thế chấp, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan thì giữa các bên phải thoả thuận lại về sự thay đổi đó.
Trong khi đó, đối với tài sản thế chấp tại ngân hàng, phía Hiệp hội nêu vấn đề ở hợp đồng tín dụng giữa DN dự án và ngân hàng tài trợ vốn, DN đã ký hợp đồng thế chấp. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở hợp đồng BOT buộc các DN dự án ký phụ lục hợp đồng để bàn giao trạm thu phí cho đơn vị thu phí ETC quản lý và vận hành sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của DN dự án/Nhà đầu tư đã quy định trong hợp đồng dự án và tài sản thế chấp.
"Vấn đề này đẩy DN dự án/nhà đầu tư vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và phải chịu các chế tài về phạt vi phạm cũng như bồi thường thiệt hại" - theo Hiệp hội.
Trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp (Cần Thơ) - một trong những trạm vừa bị yêu cầu ngưng thu phí cho đến khi hoàn thành việc đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng về việc triển khai thu phí tự động không dừng
Bên cạnh đó, Hiệp hội trên cũng cho rằng toàn bộ doanh thu chuyển vào tài khoản của ngân hàng tài trợ cho dự án BOO (hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) trước khi chuyển về tài khoản của ngân hàng cho vay dự án BOT là vi phạm các thỏa thuận của Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp. Vấn đề này đồng thời gây rủi do trong quản lý dòng tiền hoàn vốn của dự án nên việc bàn giao toàn bộ trạm thu phí và chuyển dòng tiền thu phí từ ngân hàng cho vay tín dụng các dự án BOT sang bên thứ ba cần có ý kiến của ngân hàng tài trợ vốn.
"Cách thức triển khai ETC gây ảnh hưởng đến phương án trả nợ tại ngân hàng như tỉ lệ trích doanh thu cho đơn vị thu phí ETC chưa có căn cứ tính cụ thể, đang tính trên tổng doanh thu của BOT mà không tách doanh thu của ETC và làn thu MTC (thu phí thủ công một dừng). Đồng thời, việc trích doanh thu làm ảnh hưởng đến phương án tín dụng của các dự án và chưa có sự thống nhất với DN dự án/nhà đầu tư trước khi triển khai" - Hiệp hội nêu.
Ngoài ra, đơn vị trên cũng nhìn nhận khi triển khai ETC, việc kết nối giữa tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí có nhiều bất cập. Cụ thể, người dùng muốn sử dụng dịch vụ ETC phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông nhưng lại không được tính lãi. Chưa kể trường hợp được miễn phí vẫn phải nộp tiền vào tài khoản trả trước và bị khấu trừ khi qua trạm. Dù được hoàn trả sau đó nhưng tài xế và ngân hàng cho vay BOT không ủng hộ bởi tiền của người dùng bị chiếm dụng, ngân hàng cho vay cũng không được quản lý.
Hiệp hội trên đánh giá việc sử dụng dịch vụ ETC tại các trạm BOT hiện thấp, trong khi thói quen dùng tiền mặt của tài xế vẫn rất lớn
Ngoài ra, hiệp hội này cũng đánh giá việc sử dụng dịch vụ ETC tại các trạm BOT hiện thấp, trong khi thói quen dùng tiền mặt của tài xế vẫn rất lớn, vì vậy khi bàn giao các làn thu phí qua hình thức tự động không dừng, chỉ để lại 2 làn ngoài cùng thu hỗn hợp giữa ETC và MTC dễ gây ùn tắc giao thông và thất thoát.
"Hiện toàn bộ công tác đầu tư lắp đặt thiết bị thu phí ETC trong phương án tài chính của dự án BOO và do nhà đầu tư trúng thầu lắp đặt và buộc các DN dự án phải theo là chưa hợp lý" - theo Hiệp hội.
Trước những vấn đề trên, phía Hiệp hội cho biết sẽ kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét về sự phù hợp theo quy định đối với các chỉ đạo của Bộ GTVT liên quan việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án ETC (giai đoạn 1). Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến về việc Bộ GTVT yêu cầu bàn giao trạm thu phí và mức tính chi phí tổ chức thu phí không phù hợp, ảnh hưởng đến tính pháp lý và phương án tín dụng. Bên cạnh đó, Hiệp hội này cũng cho biết sẽ báo cáo trung ương, Bộ Công An kiểm tra phạm vi, thẩm quyền của Tổng Cục Đường Bộ và Bộ GTVT "về việc đã yêu cầu tạm dừng thu phí tại các Trạm thu phí", thanh tra quá trình thực hiện để án thu phí tự động không dừng...
Trước đó, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam phát đi văn bản với nội dung tạm dừng thu phí ở 3 trạm BOT, gồm Trạm Bắc Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế), BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp (Cần Thơ), BOT Cam Thịnh (Khánh Hoà). Trong đó, với riêng Trạm Bắc Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế), thời gian yêu cầu tạm ngưng thu phí bắt đầu từ 18 giờ ngày 10-7. Thời gian được thu phí trở lại cho đến khi hoàn thành việc đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng về việc triển khai thu phí tự động không dừng.
Bình luận (0)