Nhắc đến phi công đầu tiên lái máy bay bắn hạ B-52 của Mỹ trong 12 ngày đêm rực lửa Hà Nội, không ai khác đó chính là phi công Phạm Tuân - Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Lái MiG-21 diệt "pháo đài bay"
Trong phòng khách rộng rãi tại tư gia ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, Tướng Phạm Tuân chỉ treo 2 tấm ảnh: một tấm chụp cùng nhà du hành vũ trụ Gorbatko trước khi bay vào vũ trụ và một tấm ông vào nhà tù Hỏa Lò nói chuyện với viên phi công Mỹ lái máy bay B-52 đã bị ông bắn hạ trên bầu trời Hà Nội vào ngày 27-12-1972.
Trung tướng Phạm Tuân kể về những phút giây hạ gục máy bay B-52
Phạm Tuân sinh ngày 14-2-1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1965, học hết lớp 10, ông đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, trúng tuyển vào lực lượng không quân, được tuyển sang Liên Xô đào tạo làm thợ sửa chữa máy bay.
Lúc Phạm Tuân ở Liên Xô, số phi công Việt Nam sang đây học lái máy bay bị trượt quá nhiều. Phía Liên Xô bắt đầu tổ chức tuyển lại phi công từ số 300 thợ sửa chữa máy bay và Phạm Tuân là 1 trong 10 thợ máy được lựa chọn.
Sau khi tốt nghiệp phi công quân sự ở Liên Xô năm 1967, Phạm Tuân trở thành sĩ quan lái máy bay chiến đấu của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ. Giữa năm 1972, ông là 1 trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái máy bay tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc đánh "pháo đài bay" B-52.
Anh hùng Phạm Tuân cho biết đến bây giờ ông vẫn không thể nào quên giây phút lái máy bay tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 5121 bắn hạ "pháo đài bay" B-52 ngay trên bầu trời Hà Nội vào đêm 27-12-1972.
Đó là khoảng 17 giờ ngày 27-12, Phạm Tuân điều khiển máy bay tiêm kích MiG-21 hạ cánh xuống sân bay Yên Bái. Lúc 22 giờ 16 phút, ông được lệnh xuất kích, từ sân bay dã chiến Yên Bái. Sau khi cách phi đội địch 8-9 km, Phạm Tuân ném thùng dầu phụ cho máy bay nhẹ hơn, rồi kéo cao, tăng tốc 1.400-1.500 km/giờ để bay vọt qua 2 tốp máy bay F-4 hộ tống của địch, tiếp cận 2 chiếc B-52. Do "pháo đài bay" B-52 trang bị nhiều mồi nhiệt làm nhiễu đầu dò tên lửa nên ông đã cố gắng áp sát ở cự ly 2-3 km rồi mới bấm nút phóng 2 quả tên lửa tầm nhiệt K-13. Chiếc B-52 ngay phía trước nổ tung giữa bầu trời.
Phạm Tuân tham gia đánh B-52 ngay từ đêm đầu tiên vào bầu trời Hà Nội. Suốt 9 ngày trời ròng rã, lực lượng không quân vẫn chưa thể bắn hạ B-52. "Lúc bấy giờ, toàn quân chủng hàng vạn người nhìn vào đội ngũ phi công và chờ đợi; rồi bao nhiêu kỳ vọng của lãnh đạo, nhân dân. Cho nên giây phút tiêu diệt được chiếc B-52 tôi hạnh phúc và sung sướng đến tột cùng. Không phải vì thành tích cá nhân mà vì Không quân Việt Nam đã bắn rơi B-52 của địch" - ông chia sẻ.
Với chiến công làm rạng danh Không quân Việt Nam, ngày 3-9-1973, Phạm Tuân được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Khi ấy, ông mới 26 tuổi, mang quân hàm thượng úy, là trung đội trưởng Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371.
Phi công cảm tử
Phi công Vũ Xuân Thiều, sinh năm 1945, là con thứ 7 trong một gia đình có 10 người con, quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nhưng lớn lên ở phố Đặng Dung, Hà Nội. Tháng 6-1965, khi đang học năm thứ 3 Trường ĐH Bách khoa, ông trúng tuyển phi công. Năm 1968, sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tập và huấn luyện bay ở Liên Xô, ông về nước và được biên chế về Phân đội Bay đêm thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371 Không quân.
Trung tướng Trần Hanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lúc đó là Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 371, chỉ huy trực tiếp trong 2 đêm Phạm Tuân (27-12) và Vũ Xuân Thiều (28-12) đánh "pháo đài bay" B-52. Trung tướng Trần Hanh nhớ lại ngày 27-12, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh đưa máy bay vào sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) để sẵn sàng đánh địch. Hơn 20 giờ ngày 28-12, phát hiện máy bay B-52 của Mỹ xuất kích từ Lào mang bom hạng nặng đánh phá Hà Nội. 41 phút sau, Sư đoàn phó Trần Hanh lệnh cho Vũ Xuân Thiều cất cánh chiếc MiG-21 theo kế hoạch để chặn đánh tốp máy bay B-52.
Chiếc MiG-21 gầm lên và vút lên không trung. Năm phút sau, Vũ Xuân Thiều được dẫn bay hướng về vùng trời Yên Châu (Sơn La). Khi xuất hiện toàn bộ đội hình B-52 ở cự ly cách máy bay của Thiều 30 km, Sở chỉ huy đã thông báo cho Thiều và đến 20 km thì phi công Vũ Xuân Thiều phát hiện được mục tiêu.
Trung tướng Trần Hanh kể tiếp khi còn cách máy bay địch 3 km, sở chỉ huy nhắc Thiều: "Mây đen 3 km... 2,5 km, uống cả 2 chai... thoát ly về phía Đông Nam".
Ngay sau đó, quả tên lửa thứ nhất, rồi quả tên lửa thứ hai phóng về chiếc B-52. Chiếc B-52 bị thương lạng đi nhưng vẫn cố lao về phía mục tiêu thực hiện ý đồ trút bom xuống Hà Nội. Không một giây chần chừ, Vũ Xuân Thiều liền tăng tốc, lao thẳng chiếc MiG-21 vào chiếc B-52 còn đầy bom chưa kịp trút xuống. Một tiếng nổ long trời lở đất, hai quầng lửa bùng lên sáng rực bầu trời rồi rơi xuống biên giới Việt - Lào.
Phi công Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hy sinh khi mới 27 tuổi. Với lòng quả cảm, "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", Vũ Xuân Thiều đã được Đảng và nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Một con đường, một trường tiểu học ở quận Long Biên, Hà Nội đã lấy tên anh để đặt tên đường, tên trường.
Không quân Việt Nam luôn nhớ tới chiến công quả cảm của người phi công anh hùng Vũ Xuân Thiều, trong trận đánh đêm 28-12, khi anh cùng chiếc MiG-21 của mình đã biến thành quả tên lửa thứ 3 lao thẳng vào chiếc B-52 của Mỹ.
Kỳ tới: Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ
Lo cho quê hương trước lúc hy sinh
Sau này, khi đồng đội gửi về cho gia đình chiếc vali của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, trong số những kỷ vật, có một bức thư viết còn dang dở vài ngày trước lúc hy sinh: "… Ngày 21-12-1972. Bố mẹ kính yêu. Trải qua hai đêm nặng nề. Cái nặng nề của mọi người vì phải đứng nhìn lửa bom hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà Nội và những vùng phụ cận. Rồi sẽ còn chồng chất thêm những tội ác như thế nào nữa? Đó là điều ai cũng lo lắng và căm giận. Con nghĩ lúc này không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà thân yêu của mình cùng với…". Người thân của anh cho biết anh chỉ viết đến đây nên đây là bút tích để lại trước lúc hy sinh, là lá thư dang dở của người anh hùng...
Bình luận (0)