Hôm 5-7-2019, hay tin bà Phan Thị Quyên qua đời (ở tuổi 75), lòng tôi chợt dâng lên niềm xúc động. Ấy chẳng phải vì chồng cũ anh hùng của bà là người con đất Quảng Nam trung dũng kiên cường mà tôi vinh dự được làm đồng hương, chỉ do tôi đọc và nghe quá nhiều chuyện hay về hai người, đồng thời cũng đã đôi lần gặp bà Quyên ở TP HCM, nên hình bóng họ "nhập" vào tôi tự lúc nào…
Tôi gọi điện thoại cho nhà báo Thái Duy (tức nhà văn Trần Đình Vân) - người viết tác phẩm "Sống như Anh" về Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của người vợ - bà Phan Thị Quyên, từ đầu năm 1965. "Cậu ra Hà Nội đi, có đôi điều tớ muốn kể" - cụ Thái Duy bảo.
Nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân)
MỘT SỚM HÀ NỘI CHỚM ĐÔNG, ngõ số 8 phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) dường như co lại vì lạnh. Nhà cụ Thái Duy ở gần cuối con ngõ hẹp, đơn sơ và bình lặng. Ở tuổi 95, giọng cụ vẫn sang sảng, vào "đề" ngay: "Đã 55 năm rồi tôi vẫn nhớ như in những ngày làm báo ở miền Nam sau thời điểm anh Trỗi bị tử hình, gặp chị Quyên nhiều lần để ghi lại chuyện về anh, về mối tình của họ làm tư liệu viết hồi ký "Sống như Anh". Đau buồn lắm, căm thù lắm nhưng tự hào về anh Trỗi lắm!".
Ai đã từng học văn học cách mạng hẳn nhớ những tác phẩm nổi tiếng như: "Đất nước đứng lên", "Hòn Đất", "Một chuyện chép ở bệnh viện", "Gia đình má Bảy", "Người mẹ cầm súng", "Sống như Anh"; trong số đó, "Sống như Anh" sớm trở thành cuốn sách gối đầu của bao thế hệ bộ đội, thanh niên, sinh viên, học sinh, thiếu niên… từ cuối năm 1965 đến hơn 20 năm sau, khi đất nước tiến hành công cuộc Đổi Mới.
"Sống như Anh" tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Văn Trỗi. Vụ đánh mìn cầu Công Lý hòng tiêu diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara bị lộ, anh Trỗi bị bắt giam. Lúc đó, anh vừa cưới vợ (chị Phan Thị Quyên) mới được 19 ngày. Vì anh giấu kín nên đến khi Trỗi bị bắt, Quyên mới hay chồng là Việt cộng. Rồi chị cũng bị địch bắt giam, về sau chúng phải thả vì không đủ bằng chứng kết tội. Sau 5 tháng giam cầm, tra tấn dã man anh Trỗi mà không khai thác được gì, sáng 15-10-1964, cảnh sát chế độ cũ đưa anh ra xử bắn trong khu vực khám Chí Hòa. Các phóng viên báo nước ngoài chứng kiến cuộc hành hình đã thuật lại rằng trước khi ngã xuống, anh Trỗi hô vang: "Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!"...
CÁI CHẾT "HÓA THÀNH BẤT TỬ" (Tố Hữu) của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cần thắp cháy ngọn lửa kiêu dũng ấy trong toàn quân, toàn dân. Thế là Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam quyết định phải có tác phẩm viết về anh. Nhà báo Thái Duy vào cuối năm 1964 đang là phóng viên Báo Giải Phóng hoạt động ở Long An được phân công thực hiện. Tháng 2-1965, phóng viên chiến trường này về dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, gặp chị Phan Thị Quyên, là đại biểu. "Tư liệu sống đây rồi!" - phóng viên Thái Duy reo trong dạ, bám chị Quyên hỏi lấy hỏi để. Rồi chị Quyên được tổ chức đưa về căn cứ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Trong vùng tự do, nhà báo Thái Duy có thêm 10 ngày đêm phỏng vấn chị Quyên để thu thập tư liệu. Sau 3 tháng, tác giả này viết xong "Những lần gặp gỡ cuối cùng" (của anh Trỗi và chị Quyên) gửi ra miền Bắc. Nhiều vị lãnh đạo ở Trung ương đọc và tâm đắc, góp ý nhiều. Tựa cuối cùng của hồi ký được Nhà xuất bản Văn Học ấn hành và được Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu trên sóng là "Sống như Anh", ký bút danh: Trần Đình Vân - do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt.
Tôi hỏi cụ Thái Duy: "Trong mấy trang đầu của "Sống như Anh" có đoạn nói chuyện giữa anh Trỗi và chị Quyên vào buổi chiều trước ngày anh bị địch bắt. Trích: "Chúng tôi vẫn tắm nhờ hàng xóm. Thấy anh ăn vội vội vàng vàng, chiều thứ bảy rồi mà lại không ở nhà, tôi nói xẵng với anh: "Thôi, anh bận thì cứ đi đi, lát nữa em mang nước sang tắm cũng được". "Không, mấy cái bậc cửa buồng tắm cao quá, anh sợ em té". Anh Trỗi cưng vợ quá!".
Tác giả của "Sống như Anh" liền hồi tưởng: "Vào những ngày phỏng vấn chị Quyên trong cứ, trưa nọ, tôi nghe một chị ở địa phương hỏi Quyên "tắm sông thích chứ?", Quyên vừa phơi đồ vừa đáp "ở trong kia chỉ khổ anh Trỗi thôi, mỗi lần tôi lắm anh ấy phải đi xách nước, khổ quá". Tôi thấy đây là chi tiết đắt, liền sau đó hỏi lại Quyên để đưa vào sách, chị la lên "trời ơi, anh Trỗi bây giờ là anh hùng, cả nước kính trọng, mà lại đi kể cái việc xách nước cho cái thân tôi thì không được đâu!". Thế là tôi phải giải thích với chị rằng anh Trỗi của ta không chỉ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng cho Tổ quốc mà còn biết yêu thương, chăm sóc hết lòng cho người thân, đó cũng là phẩm chất anh hùng. Nghe vậy, Quyên mới chịu và kể tiếp, nhờ đó tôi mới đưa được chuyện xách nước cho vợ tắm vào tác phẩm".
ĐOẠN TÂM TÌNH GIỮA ANH TRỖI VÀ CHỊ QUYÊN vào sáng 30-8-1964 khi chị vào thăm anh ở khám Chí Hòa khiến tôi, dù đã đọc "Sống như Anh" từ những 30 năm trước, vẫn không sao quên được. Bây giờ, lật lại những trang hồi ký đã ố vàng, vẫn dậy lên một niềm thổn thức.
"Tôi cầm tay anh, hình như có mập, bàn tay không còn nổi hằn lên những đường gân xanh như dạo còn ở trong nhà thương. Anh nắn nắn ngón tay trước kia đeo nhẫn cưới, bảo tôi:
- Anh bán mất nhẫn cưới rồi. Hôm đi chôn mìn thiếu mất ít dây điện. Liên lạc với tổ chức không kịp, tiền không có. Trong người lúc ấy chỉ còn có cái nhẫn là bán ra tiền. Anh đành bán mua dây điện (…).
Tôi úp mặt vào hai bàn tay anh, tôi khóc, tôi xin với anh:
- Anh đừng nhắc lại những chuyện đó nữa (…) Giá em được anh tin cậy thì việc tìm mua dây điện cho anh làm gì em không giúp nổi".
Dường như ai theo dõi mạch hồi ký, đọc đến đoạn này cũng rưng rưng. Khi những giọt nước mắt cảm động của chị Quyên rơi xuống cũng là lúc khúc tráng ca anh hùng cất lên, như lời người chiến sĩ ấy đã khẳng khái với bạn đời: "Anh nghĩ tính mạng mình còn chẳng tiếc nữa là nhẫn cưới"!
NGHE TÔI CHIA SẺ CẢM XÚC CỦA MÌNH, nhà báo Thái Duy kể thêm: Cũng buổi thăm tù đó còn có hai chi tiết đắt. Một là Quyên nói với anh Trỗi: "… Em khác trước nhiều rồi. Dạo này em khỏe. Ban đêm ra sân một mình không sợ nữa". Khi tác giả khởi thảo, đưa chi tiết này vào "Sống như Anh" thì bị bàn ra, cho là vợ anh hùng mà khoe chuyện nhỏ thế thì không được. Nhưng tác giả bênh vực, bảo là cô Quyên trong hoàn cảnh ấy đúng là như thế, cô ấy vốn là "tiểu thư" xứ Bắc mà!
Và, chi tiết thứ hai làm nên sự tiếc nuối sau này với bao dằn vặt cho người trong cuộc:
- Chắc em có thai phải không?
Tôi lắc đầu:
- Không, không có.
Tôi cảm thấy hình như anh hơi buồn. Tôi làm thinh không nói thêm gì nữa.
Thực tế không phải như vậy. Về sau, trong nhật ký của mình, bà Phan Thị Quyên đã kể sự thật chôn giấu bao năm, được phóng sự - tài liệu "Nguyễn Văn Trỗi - Tình yêu cuộc sống" của Truyền hình Cần Thơ (tháng 8-2018) phát lại như sau: "Anh. Đọc những câu thơ này, em cảm thấy có lỗi nhiều với anh… Em đã không giữ được giọt máu của anh. Hồi đó, em khờ quá, không đi bệnh viện. Em đã đánh mất đứa con của chúng mình. Em đã nói dối anh khi vào khám tử hình. Anh hỏi "em có thai phải không", và em trả lời "không có" chứ không dám nói thật…".
Bình luận (0)