Tối 28-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về dự lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471-2021) và kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1.1.1997-1.1.2022).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết mảnh đất Quảng Nam "địa linh, nhân kiệt" mà 550 trước vị vua anh minh Lê Thánh Tông đã đặt tên là vùng đất phía Nam rộng lớn từ đỉnh đèo Hải Vân cho tới đèo Cù Mông. Do đó, sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với Quảng Nam mà còn đối với cả Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và cả khu vực miền Trung.
Theo Chủ tịch nước, nhìn lại 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và 25 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định dù tự hào thành quả quá khứ nhưng không quên trách nhiệm với tương lai. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh cần tiếp tục chung sức, đồng lòng quán triệt thực hiện hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII; tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng và lợi thế hiếm của một tỉnh nằm ở trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm Trung Bộ, trong đó tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và nông nghiệp công nghệ cao…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm. Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Từ một tỉnh thuần nông, chịu thiệt hại nặng nề sau chiến tranh, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất của cả nước, sau 25 năm tái lập, với quyết tâm đổi mới, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, có bước chuyển cơ bản, rõ nét về cơ cấu kinh tế, từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 25 năm đạt 9%/năm; quy mô nền kinh tế đạt 102.654 tỉ đồng, gấp hơn 40 lần so với năm 1997. GRDP bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/người/năm, gấp 38 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh. Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết lễ kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam là dịp để chúng ta tìm về cội nguồn, tôn vinh và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng vẻ vang của đất và người xứ Quảng anh hùng; nhằm tiếp thêm động lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong thời gian tới.
Trước đó, chiều 28-12, tại TP Tam Kỳ, Chủ tịch nước dự cuộc gặp gỡ cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự tọa đàm "Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và triển vọng", nhân kỷ niệm 25 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương (1.1.1997 - 1.1.2022).
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, cho biết 25 năm qua, từ ngày tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến nay, quy mô và trình độ nền kinh tế của TP Đà Nẵng thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9%/năm, GRDP bình quân đầu người hiện nay cao gấp hơn 15 lần so với năm 1997. Diện mạo đô thị của thành phố thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997. Môi trường đầu tư được đánh giá năng động và thông thoáng. Nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng như chương trình thành phố "5 không", "3 có", "4 an" đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Về các mục tiêu trong thời gian tới, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay thành phố đang nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế hài hòa, cân đối, phát huy tiềm năng, sự khác biệt của địa phương, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; phấn đấu đưa thành phố trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Đánh giá cao những thành tựu to lớn của TP Đà Nẵng đạt được trong 25 năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Đà Nẵng cần tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững và có bản sắc riêng. Trong đó, thành phố cần định hướng trở thành đô thị trung tâm, động lực kinh tế quan trọng nhất của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cũng như toàn vùng Bắc và Nam Trung Bộ.
Chủ tịch nước cũng lưu ý cần xác lập chương trình nghị sự đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, đáng đầu tư, đáng cống hiến và đáng trải nghiệm. Chương trình nghị sự đó được bắt đầu bằng những việc hết sức cụ thể, trước mắt là vạch ra một lộ trình đưa Đà Nẵng hiện diện trong các bảng xếp hạng các thành phố đáng sống hàng đầu thế giới theo các xếp hạng quốc tế. Ngoài ra, cần xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị không có người nghèo, không có hộ nghèo và không có hộ cận nghèo. Đây cũng là đặc trưng của TP Đà Nẵng và khác với TP HCM.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi ý một số vấn đề đối với Đảng Bộ, chính quyền TP Đà Nẵng. Đó là TP Đà Nẵng phải tăng cường sức mạnh kinh tế; tạo dựng vốn vật chất; cải thiện và nâng cao hiệu quả của thể chế; thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính; phát huy tính đa dạng của văn hóa xứ Quảng; xây dựng vốn con người, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo vệ tự nhiên và môi trường...
Bình luận (0)