Chiều 27-2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã làm việc với đơn vị tư vấn quốc tế là Công ty ADP-I (Cộng hòa Pháp) để nghe báo cáo về các phương án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất). Tham dự còn có đại diện các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, đại diện UBND TP HCM, các nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực hàng không.
Mở rộng phía Nam và Bắc
Trên cơ sở đánh giá khả năng nâng cao công suất sân bay Tân Sơn Nhất, tư vấn đề xuất 6 phương án mở rộng. Trong đó có 5 phương án mở rộng về phía Nam, phía Bắc đạt công suất 50 triệu hành khách/năm với một số giải pháp chính như: dịch chuyển đường cất hạ cánh (CHC) 07R/25L về phía Đông khoảng 180 m, rút ngắn chiều dài CHC 07R/25L từ 3.800 m xuống còn 3.656 m; xây mới đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song giữa 2 đường CHC, đường lăn song song giữa đường CHC 25L/07R và đường lăn E6, đường lăn vòng; nâng số lượng vị trí đỗ tàu bay tại sân đỗ theo quy định mới của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) nhằm tối ưu hóa năng lực sân đỗ và giải quyết tình trạng ùn tắc.
Với các phương án tư vấn, dự kiến công suất của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng cao Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đáng lưu ý là trong các phương án này, tư vấn Pháp đề xuất giải pháp mở rộng nhà ga hành khách bằng cách sắp xếp lại nhà ga T1 và T2 để có thể phục vụ 30 triệu hành khách/năm, đồng thời xây thêm nhà ga T3 với diện tích sàn ít nhất là 200.000 m2 để có thể phục vụ khoảng 20 triệu hành khách/năm.
Với các giải pháp nêu trên, tư vấn chỉ ra năng lực khai thác khu bay có thể đạt 67 lượt cất hạ cánh/giờ. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn khai thác, tư vấn khuyến cáo khai thác 57 lượt cất hạ cánh/giờ và cho 18 giờ hoạt động/ngày (tương đương 50,33 triệu hành khách/năm). Tư vấn cũng đưa ra phương án mở rộng để nâng công suất lên 70 triệu hành khách/năm với điều kiện phải xây dựng đường CHC số 3 và khu nhà ga về phía Bắc.
Tư vấn ADP-I khuyến cáo chọn phương án mở rộng về phía Nam và phía Bắc đạt công suất 50 triệu hành khách/năm. Trong đó, tại phía Nam sẽ xây dựng nhà ga hành khách T3 và mở rộng sân đỗ máy bay trước nhà ga này trên phần đất do quân sự quản lý. Về phía Bắc (lấy cả diện tích sân golf hiện hữu) sẽ xây dựng các công trình bảo đảm hậu cần sân bay như nhà ga hàng hóa, logistics đồng bộ, sửa chữa máy bay và các công trình dịch vụ kỹ thuật khác như suất ăn, xăng dầu, tập kết mặt đất…
Tổng mức đầu tư theo phương án này là 30.793 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Ưu tiên nguồn lực xây sân bay Long Thành
Cũng theo tư vấn ADP-I, sân bay Long Thành đang được triển khai xây dựng, dự kiến năm 2025 đưa vào khai thác. Khi đó, một phần hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được chuyển sang sân bay Long Thành và sẽ khai thác đồng thời cả 2 sân bay. Do đó về lâu dài, cần ưu tiên nguồn lực phát triển sân bay Long Thành.
Hơn nữa, chỉ nên nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách để ưu tiên nguồn lực cho sân bay Long Thành còn vì vấn đề về môi trường, đặc biệt là tiếng ồn do sân bay Tân Sơn Nhất gây ra với khu dân cư rất lớn (theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế châu Âu, Mỹ); giao thông tiếp cận khó khăn; ảnh hưởng công trình quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chưa kể quá trình triển khai dự án cũng gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, đặc biệt là hiệu quả đầu tư, phương án tối ưu cần được cân nhắc, lựa chọn bảo đảm tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng. Theo dự báo về lưu lượng khách qua sân bay Tân Sơn Nhất, năm 2020 sẽ đạt 44,4 triệu hành khách và tăng lên 51,1 triệu lượt khách vào năm 2025.
Phát biểu tại buổi làm việc, một số chuyên gia đặt các câu hỏi về công tác dự báo sản lượng hành khách, phương pháp so sánh nào để tư vấn đưa ra lựa chọn giải pháp như đã trình bày. Song về cơ bản, các ý kiến khá đồng thuận với giải pháp không xây dựng đường băng thứ 3 để nâng công suất lên 70 triệu hành khách. Thay vào đó là mở rộng sân bay cả về phía Nam và Bắc.
Trên cơ sở tư vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, tư vấn ADP-I tiếp tục bổ sung tài liệu theo đề xuất của các chuyên gia; đồng thời tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, UBND TP HCM để hoàn thiện đề án, báo cáo Chính phủ vào trung tuần tháng 3.
Chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn
Lý do không nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 70 triệu hành khách/năm, Công ty Tư vấn ADP-I cho biết để mở rộng Tân Sơn Nhất về phía Bắc đạt công suất 70 triệu khách/năm cần chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn, tính riêng khu vực đầu đường 7 đã phải giải phóng 32,57 ha đất khu dân cư, đầu đường 25 phải giải phóng 28,8 ha đất dân cư, đồng thời lấy toàn bộ khu vực sân golf và đất quân sự còn lại phía Bắc. Tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng là 276,2 ha.
Chi phí xây dựng theo phương án này là rất lớn, ước tính 44.640 tỉ đồng, thời gian thi công ít nhất 5-6 năm (thời gian và chi phí nói trên chưa bao gồm giải phóng mặt bằng). Bên cạnh đó, khu vực ảnh hưởng tiếng ồn do hoạt động bay cũng được mở rộng gấp 2 lần so với các phương án khác.
Bình luận (0)