Ngày 31-7-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 556/NQ-UBTVQH14 về phương án sử dụng 15.000 tỉ đồng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách. Theo đó, 7.000 tỉ đồng được cấp cho 4 dự án đường sắt và 8.000 tỉ đồng cấp cho 10 dự án đường bộ.
Tăng tàu, rút ngắn thời gian
Theo ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp như hiện nay, VNR lựa chọn danh mục đầu tư trên nguyên tắc đầu tư tập trung, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch được duyệt. Xác định các công trình thiết yếu cần đầu tư theo từng dự án cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả khi đưa vào khai thác. Đặc biệt, ưu tiên các đoạn có nhu cầu vận tải cao là Nha Trang - Sài Gòn, Hà Nội - Vinh, tập trung đầu tư, cải tạo các cầu, hầm yếu, xây dựng hàng rào, đường gom dọc tuyến để xỏa bỏ hàng trăm lối đi tự mở.
Kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 được VNR xây dựng; Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt, trình Chính phủ xin bố trí vốn từ đầu năm 2017. Khi đó, VNR cho biết mục tiêu của việc đầu tư này là nhằm tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80-90 km/giờ, tàu hàng 50-60 km/giờ. Từ đó, có thể khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5-1,6 lần.
Nâng cấp đường sắt Bắc - Nam để tăng năng lực vận tải
Ông Vũ Tá Tùng cho biết để thực hiện mục tiêu này, VNR đã đề xuất 4 dự án chi tiết: Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh (tăng từ 21 lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm); cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn (tăng từ 19 lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm, rút ngắn thời gian chạy tàu 60 phút); cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va-xô; gia cố hầm yếu kết hợp mở mới ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang.
Gấp rút hoàn thành thủ tục
Ông Trần Thiện Cảnh, Phó Tổng Giám đốc VNR, cho biết mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành cả 4 dự án. Tuy vậy, một số thủ tục phải thực hiện lại từ đầu sẽ rất mất thời gian.
"Hiện Quốc hội đồng ý cấp vốn, Bộ GTVT sẽ giao VNR và ban quản lý dự án đường sắt lập báo cáo chủ trương đầu tư trình Bộ GTVT để lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn. Sau khi có ý kiến của 2 bộ, Bộ GTVT mới phê duyệt báo cáo chủ trương đầu tư, bước tiếp theo là tiến hành lập dự án" - ông Cảnh nói.
Ông Trần Minh Phương, Phó vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT), thông tin: Bộ trưởng Bộ GTVT đã giao Vụ KH-ĐT nghiên cứu tham mưu phương án lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án và yêu cầu phân tích đánh giá cụ thể những thuận lợi, khó khăn, đồng thời yêu cầu rà soát, nghiên cứu phương án tận dụng các hồ sơ dự án đã có phù hợp với luật định để giảm bớt thời gian triển khai.
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, Bộ GTVT đã giao cho ban quản lý dự án đường sắt triển khai 2 dự án: cải tạo đoạn tuyến Vinh - Nha Trang và Nha Trang - Sài Gòn. "Hiện nay, các đơn vị đang xúc tiến các trình tự thủ tục để trình phê duyệt, dự kiến đến giữa năm 2019 bắt đầu triển khai" - ông Minh nói.
Hơn 4.000 lối đi tự mở rất nguy hiểm
Ông Vũ Anh Minh nhìn nhận hiện dọc tuyến đường sắt trên cả nước có 5.664 điểm giao cắt đồng mức, trong đó có 4.147 lối đi tự mở và chỉ 654 đường ngang có cần chắn tự động và có người gác. "Thời gian qua, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt, đã gây ra rất nhiều tai nạn thương tâm. Đó là thiệt hại rất lớn cho người dân và ngành đường sắt" - ông Minh chia sẻ.
Bình luận (0)