xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945 - 23.9.2022): Mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp

PGS-TS HỒ SƠN ĐÀI

Cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược bắt đầu từ sáng 23-9-1945, từ nội thành lan dần ra ngoại thành. Bốn mặt trận ngăn chặn, bao vây quân địch hình thành xung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn

Chiến tranh thế giới lần thứ II vừa kết thúc, quân Pháp lập tức quay lại Đông Dương. Tính đến ngày 22-9-1945, lực lượng của Pháp tại Sài Gòn có tới 10.000 người. Lúc 0 giờ ngày 23-9-1945, trong trang phục quân đội Hoàng gia Anh, các toán quân Pháp bất ngờ nổ súng tập kích những vị trí công sở chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, chính thức mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ 2.

Hội nghị Cây Mai

Trong điều kiện chính quyền nhân dân mới thành lập, tổ chức Đảng các cấp chưa được thống nhất, lực lượng vũ trang cách mạng mới ra đời, còn phân tán và phức tạp về thành phần, vũ khí thô sơ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu; từ đầu tháng 9-1945, UBND Nam Bộ một mặt tự kiềm chế trước hành động ngang ngược của quân Anh - Pháp, mặt khác khẩn trương chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đoàn thể cách mạng và lực lượng vũ trang sẵn sàng chống xâm lược.

77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945 - 23.9.2022): Mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp - Ảnh 1.

Người dân Sài Gòn dùng tầm vông vạt nhọn tham gia tổng khởi nghĩa ngày 23-9. Ảnh: TƯ LIỆU

Ngay sau khi quân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, rạng sáng 23-9-1945, Xứ ủy và UBND Nam Bộ triệu tập hội nghị khẩn tại nhà số 269 Cây Mai, Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Có 2 ý kiến trái ngược nhau: Một bên muốn chỉ nên đình công, bãi thị, bất hợp tác, chờ lệnh của trung ương; một bên do ông Trần Văn Giàu chủ trương muốn phát động ngay cuộc kháng chiến chống Pháp.

Sau hơn 180 phút thảo luận căng thẳng, hội nghị quyết định: Một mặt điện báo gấp ra trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh xin chỉ thị, mặt khác phát động ngay cuộc kháng chiến. Rất khẩn trương, hội nghị thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ (do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch) và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn (các ông Nguyễn Văn Tư, Huỳnh Đình Hai, Từ Văn Ri chỉ huy) với chức năng chỉ đạo mọi mặt cuộc kháng chiến chống Pháp; hạ lệnh tổng đình công và bất hợp tác với địch, đối phó và đánh địch trên đường phố, ngăn chặn và bao vây chúng trong nội thành; kêu gọi đồng bào vạch mặt bọn Việt gian, triệt để bãi công, bãi thị, bãi khóa, tẩy chay mọi kêu gọi của địch...

Tại Hà Nội, sau khi nhận được điện của Xứ ủy và UBND Nam Bộ, ngay ngày 23-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tại Bắc Bộ Phủ, chuẩn y quyết tâm kháng chiến của Nam Bộ. Ngày 24-9-1945, Chính phủ Lâm thời gửi huấn lệnh cho nhân dân Nam Bộ và kêu gọi đồng bào cả nước chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Ngày 25-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập các đơn vị Nam tiến và cử cán bộ vào tăng cường cho Nam Bộ.

Trong khi chủ trương của Hội nghị Cây Mai và lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ chưa được phổ biến thì ngay sáng 23-9-1945, cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược đã diễn ra khắp TP Sài Gòn.

Bốn mặt trận

Đến đầu tháng 10-1945, sau khi có thêm viện binh, quân Pháp bắt đầu mở cuộc tiến công phá vây, lần lượt đánh chiếm phủ lỵ Gia Định ở Bà Chiểu, Gò Vấp, sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Lâm, Tân Thuận… Cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược từ nội thành lan dần ra khu vực ngoại thành. Bốn mặt trận ngăn chặn, bao vây quân địch hình thành xung quanh TP Sài Gòn - Chợ Lớn.

Mặt trận số 1 (mặt trận phía Đông) kéo dài từ ngã ba sông Thị Nghè đến cầu Bông. Ranh tuyến bên trái trải dọc sông Sài Gòn, Quốc lộ 13 từ ngã ba Thị Nghè, ngã tư Hàng Xanh, cầu Bình Lợi. Ranh tuyến bên phải từ cầu Kiệu ra ngã tư Phú Nhuận, ngã ba Chú Ía, ngã năm Chuồng Chó đến An Nhơn đi Lái Thiêu.

Chiến đấu tại mặt trận này gồm các đơn vị vũ trang tập trung, gọi là "bộ đội", gồm: Bộ đội Nguyễn Văn Dương, Trần Cao Vân, Hoàng Cao Nhã, Hoàng Mạnh, Triệu Cải, Thị Nghè (Nguyễn Bân), Hai Nhỏ, Hai Rim.

Ngoài ra, còn có lực lượng Đệ Tam sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp và Bộ đội Hồng Tảo. Bộ chỉ huy mặt trận phía Đông gồm các ông Nguyễn Đình Thâu (chỉ huy trưởng), Phạm Văn Khung (chính ủy). Chỉ huy sở đặt tại Gò Vấp, sau chuyển sang An Phú Đông. Xa hơn, về phía Thủ Đức có đơn vị Nam Long thuộc Bộ đội Nam Tiến, Trần Thắng Minh, Thái Văn Lung, Đào Sơn Tây.

Mặt trận số 2 (mặt trận phía Bắc) án ngữ cửa ngõ Quốc lộ 1 đi Tây Ninh, khu vực Bà Điểm, Hóc Môn và trục lộ 15 từ chợ Cây Xoài đến Quán Tre, Trung Chánh; từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Tham Lương. Chiến đấu tại mặt trận này, khu vực Bà Quẹo, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Nhì có Bộ đội Năm Bội, Tư Báu, Tư Thược, Tám Đào, Tám Dọn, Bảy Ưng.

Ở Bà Điểm có Bộ đội Huỳnh Tấn Chùa. Ở Hóc Môn có Bộ đội Cao Đức Luốc, Sáu Ngói, Sáu Bằng. Ở Tân Mỹ, Bình Mỹ có Bộ đội Tô Ký (gồm cả lực lượng Nguyễn Văn Bứa, Phan Hữu Hòa, Võ Văn Của). Ở Đông Thạnh có Bộ đội Bảy Mỹ. Ở An Phú có Bộ đội Bảy Sanh, Sáu Sai. Xa hơn, phía Đức Hòa có Bộ đội Huỳnh Văn Một.

Bộ Chỉ huy Mặt trận phía Bắc do ông Nguyễn Văn Tư làm chỉ huy trưởng, sở chỉ huy đặt tại Phú Thọ Hòa. Ngoài ra, hoạt động ở khu vực Bà Quẹo còn có Bộ đội Huỳnh Văn Trí (Mười Trí, đóng ở Tân Hòa, Vĩnh Lộc, Bà Quẹo); khu vực Phú Thọ Hòa có Bộ đội Nguyễn Phú Duyên, Thái Sĩ Từ và Lê Văn Viễn.

Mặt trận số 3 (mặt trận phía Tây) án ngữ lộ Đông Dương 16, con đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho và lộ số 10 Bình Trị Đông - cầu Xáng. Toàn tuyến mặt trận trải dài từ Tân Thới Hòa qua Phú Lâm, Tân Hòa Đông, Phú Định xuống An Lạc, chợ Đệm, ngăn chặn hành lang chiến lược từ Sài Gòn xuống ĐBSCL.

Chiến đấu ở mặt trận này có lực lượng Cộng hòa vệ binh Nam Bộ và các đơn vị vũ trang Tổng Công đoàn Nam Bộ. Ngoài ra, còn có một số đơn vị đội khác chiến đấu trong nội thành rút dần ra và từ các tỉnh miền Trung, Tây, Nam Bộ lên.

Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu kiêm chỉ huy trưởng Mặt trận số 3. Chỉ huy sở đặt tại đường Cây Mai rồi chuyển về Bình Điền. Khi trận tuyến phía trước bị phá vỡ, lực lượng Tổng Công đoàn Nam Bộ bám trụ lại do ông Nguyễn Lưu chỉ huy lùi vào khu vực Gò Cát - Bình Trị Đông - Bình Thủy Hòa.

Mặt trận số 4 (mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn hay mặt trận phía Nam) trải dài trên toàn bộ phía Nam Sài Gòn và Chợ Lớn, từ Tân Thuận, ngã ba Kinh Tẻ - sông Sài Gòn đến bến đò Tân Quy; từ cầu Chữ Y, cầu Hiệp Ân đến cảng sà lan và nhà đèn Chợ Quán.

Chiến đấu trên mặt trận này có lực lượng vũ trang Nhà Bè, gồm Bộ đội Bình Xuyên Dương Văn Dương (xóm Bến Đò, cầu Rạch Đỉa), Trần Văn Đối và Đoàn Văn Ngọc (Tân Thuận), Quách Văn Phải (Tân Quy), Nguyễn Văn Soái (Phú Xuân), Chín Hiệp (bến đò Tân Thanh, ngã ba rạch Ba Lao - Rạch Dơi), Mười Đen (khu vực kho, cảng), Ngô Văn Lực, Võ Văn Môn, Nguyễn Văn Hoe (Thủ Thiêm)… Xa hơn có lực lượng vũ trang Cần Giuộc, gồm Bộ đội Bình Xuyên Nguyễn Văn Mạnh (Chánh Hưng), Tư Hoạnh (cầu Ông Thìn), Trương Văn Bang (Cần Giuộc) và Nguyễn Văn Trân (cầu Bình Đăng). Ông Nguyễn Văn Trân phụ trách Mặt trận số 4. Chỉ huy sở đóng tại khu vực cầu Bình Đăng.

Cuộc chiến đấu của nhân dân và lực lượng vũ trang ở nội thành, ngoại thành Sài Gòn - Chợ Lớn trong những ngày cuối tháng 9-1945 thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được, bao vây quân Pháp tại chỗ, làm phá sản ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của địch. Việc này góp phần tạo ra khoảng thời gian quý báu để nhân dân Nam Bộ và cả nước có điều kiện chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến sắp tới; đồng thời để lại những bài học đầu tiên về xây dựng đường hướng, tiềm lực và nghệ thuật tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến

Kỷ niệm 77 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23.9.1945 - 23.9.2022), từ ngày 20 đến 30-9, triển lãm "Vang mãi khúc tráng ca Nam Bộ kháng chiến" diễn ra tại đường Đồng Khởi (quận 1), phía trước Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM. Triển lãm gồm 2 phần: phần 1 với chủ đề "Miền Nam đi trước về sau" và phần 2 là chủ đề "Phát huy hào khí Nam Bộ kháng chiến xây dựng và phát triển TP HCM".

Tại Công viên Chi Lăng (quận 1) là triển lãm "Nam Bộ thành đồng, vươn mình phát triển" với các nội dung "Truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa tình của vùng đất Nam Bộ"; "TP HCM kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".

Ngoài ra, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; các chương trình biểu diễn văn nghệ vào tối 23-9 để phục vụ người dân.

P.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo