Ngữ cảnh câu nói của bà là ở tòa, còn bà với vai trò là bị cáo nên nó càng chua xót. Câu nói đã phơi bày sự trần trụi, mặt khuất lấp của ngành giáo dục ở không ít địa phương chứ không riêng gì ở tỉnh Hòa Bình và không riêng gì về gian lận điểm thi. Những mặt khuất mà chắc chắn không phải vì vô tình hoặc kém năng lực mà những người quản lý giáo dục một số địa phương cố tình bỏ qua, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới thành tích của ngành, của những báo cáo đẹp đẽ cho cấp trên, của những số điểm cao chót vót trong khi học lực của học sinh không tương xứng.
Tại phiên tòa có đủ những người liên quan để làm nên liên minh ma quỷ phù phép những học trò kém thành học trò khá giỏi để vào các trường đại học. Có cán bộ giáo dục thì cho rằng nâng điểm vì được nhờ, vì tình cảm. Có giáo viên thì nói chỉ nhờ "nới tay". Có phụ huynh cũng là cán bộ thì... ngỡ ngàng vì con mình được nâng điểm! Thực tế, hàng trăm triệu đồng hối lộ đã được tạm giữ, lời khai chạy điểm cũng rõ ràng. Trước tòa, sợ tội nên khai lòng vòng cũng dễ hiểu. Nhưng đây cũng là dịp để cơ quan chức năng chấn chỉnh triệt để nạn mua bán điểm vốn là bệnh trầm kha của ngành giáo dục. Ai nhúng chàm phải bị xử lý, ai ngoan cố phải bị trừng trị để trong bộ máy công quyền không còn những kẻ "gù" và luôn muốn uốn cong lưng người khác!
Cùng thời gian với phiên xử này là phiên xử các cựu chủ tịch TP Đà Nẵng tiếp tay cho Vũ "nhôm" thâu tóm công sản. Bị can Văn Hữu Chiến kêu oan, khai bản thân chỉ làm theo những chỉ đạo và chủ trương của chủ tịch TP lúc bấy giờ là ông Trần Văn Minh. Còn các bị cáo nguyên là lãnh đạo của các cơ quan liên quan đến vụ án này cũng một mực khai làm theo chỉ đạo. Nói cách khác họ cho rằng mình bị buộc phải sai phạm khi lãnh đạo và cấp lãnh đạo cao hơn đã quyết định nhúng chàm. Ở đây, lãnh đạo "gù" nên cấp dưới phải "gù". Lời khai như trên chỉ là ngụy biện. Trong một bộ máy, anh có quyền chọn thỏa hiệp hay không với sai phạm. Nếu đủ can đảm thì đừng đứng chung hàng với kẻ dẫn dắt, huống gì khi làm theo luôn có khoản lợi ích kếch xù đi kèm. Vũ "nhôm" ra tòa chối phăng vai trò của mình, bởi thực tế bị cáo này có thể chi phối được những quyết định của các lãnh đạo Đà Nẵng lúc bấy giờ và biến họ thành kẻ "gù" để mình chi phối. Nhiều người tình nguyện với vai trò này để trục lợi qua các tài sản công được đem bán tùy tiện mà tổng giá trị nhà nước bị thiệt hại lên đến 24.000 tỉ đồng.
Câu nói của bà Diệp Thị Hồng Liên hy vọng rằng chỉ là cá biệt của một ngành, một vùng. Những phiên tòa nghiêm khắc như trên sẽ dần loại những kẻ "gù" trong bộ máy hành chính để ngăn chặn họ làm dị dạng xã hội. Xa hơn, chặn những người này cũng chính là ngăn ngừa mối nguy lớn hơn: Lợi ích nhóm.
Bình luận (0)