Trao đổi với phóng viên trước thềm Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 khai mạc ngày 8-12, bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam là thị trường trọng điểm của Airbus, nơi hãng đã phát triển để được lựa chọn là nhà cung cấp các sản phẩm máy bay thương mại, quốc phòng, trực thăng và hàng không vũ trụ.
Máy bay H225 của Airbus đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động khai thác ngoài khơi và vận tải
Ngoài phân khúc máy bay thương mại, Airbus có tổng cộng 20 máy bay cánh quạt và vận tải quân sự đang được khai thác thực hiện các nhiệm vụ bao gồm vận chuyển, dịch vụ công, thăm dò và khai thác dầu khí, và hoạt động quân sự.
Việt Nam hiện triển khai phi đội C295 đa năng phục vụ các hoạt động vận tải của không quân và phi đội C212 có các cấu hình khác nhau cho các dịch vụ quân sự.
Nhắc lại chiếc máy bay trực thăng đầu tiên Airbus cung cấp cho Việt Nam là chiếc Puma của Công ty trực thăng miền Nam, ông Fabrice Rochereau, Tổng giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị phụ trách mảng máy bay trực thăng của Airbus, cho biết công ty hiện đứng đầu trong phân khúc máy bay thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam. Máy bay của Airbus chiếm 50% đội máy bay trực thăng đang được khai thác tại đây, bao gồm trực thăng H225 đa dụng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động khai thác ngoài khơi và vận tải.
Ngoài dầu khí, máy bay trực thăng của Airbus còn được sử dụng rộng rãi để thực hiện các nhiệm vụ quân sự và các nhiệm vụ chuyên chở quan trọng.
Ông Fabrice Rochereau, Tổng giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị phụ trách mảng máy bay trực thăng của Airbus cho biết máy bay của Airbus chiếm 50% đội máy bay trực thăng phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam. Ảnh: Dương Ngọc
Trong tương lai, Airbus nhận thấy nhu cầu về máy bay trực thăng quân sự của Việt Nam sẽ hướng đến sự hiện đại hóa và đổi mới đội bay để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, thực thi pháp luật, an ninh hàng hải và dịch vụ công, trong khi phân khúc thăm dò và khai thác dầu khí sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu cho dòng trực thăng dân dụng.
Ông cho rằng dòng trực thăng H145M và H225M của Airbus phù hợp với yêu cầu khai thác của quân đội Việt Nam, trong khi dòng trực thăng H175 hoàn toàn phù hợp với ngành dầu khí và các dịch vụ công cộng như tiện ích, tìm kiếm cứu nạn và thực thi pháp luật.
Hiện Airbus nắm giữ 12% thị phần máy bay trực thăng của Việt Nam và Airbus đang muốn thúc đẩy để tăng thị phần của máy bay trực thăng của Airbus tại Việt Nam, như mức thị phần trực thăng của Airbus trên toàn thế giới là 46%.
Dòng trực thăng H145M của Airbus
Ông Johan Pelissier, Tổng Giám đốc phụ trách mảng Quốc phòng và Không gian vũ trụ của Airbus tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giới thiệu máy bay vận tải C295 sẽ được trưng bày tại triển lãm là dòng máy bay bán chạy của Airbus. Nhiều nước đang sử dụng C295 đã có đơn đặt hàng lại như Indonesia, Bangladesh, Philippines. Gần đây, Ấn Độ vừa đặt hàng 56 chiếc C295; không quân Brunei cũng vừa đặt hàng tuần trước. "Chúng tôi nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng với phiên bản vận tải chiến thuật, ở cả những nước đã sử dụng, đặt hàng hay có nhu cầu sử dụng trong tương lai"- ông cho biết.
Ông Johan Pelissier giới thiệu 2 phiên bản của C295 là tuần thám biển, phiên bản vận tải. Nhìn bên ngoài tương tự nhau song bên trong được lắp đặt, tích hợp và các trang thiết bị và các cảm biến khác nhau tùy vào yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với nhiệm vụ chống tàu ngầm, máy bay C295 được tích hợp đầy đủ các khả năng tác chiến chống săn ngầm cần thiết như hệ thống thông tin thủy âm, thiết bị dò tìm ngư lôi. Dòng máy bay này có thời gian hoạt động lâu nhất trong phân khúc của nó là hơn 10 giờ và được trang bị khả năng tấn công toàn diện cho tác chiến chống tàu ngầm và tác chiến chống tàu nổi.
Theo ông Johan Pelissier, Airbus nhận thấy nhu cầu hiện đại hóa đội máy bay vận tải quân sự cũ ngày càng tăng trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Công ty có điều kiện phù hợp để cung cấp giải pháp các đội bay hỗn hợp tối ưu cho hoạt động vận tải, tuần tra hàng hải, săn ngầm với dòng trực thăng C295, nhằm đáp ứng các yêu cầu chiến lược và chiến thuật.
Từ phải sang trái: Ông Johan Pelissier, Tổng Giám đốc phụ trách mảng Quốc phòng và Không gian vũ trụ của Airbus tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam và ông Fabrice Rochereau, Tổng giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị phụ trách mảng máy bay trực thăng của Airbus cùng những mẫu máy bay của Airbus được giới thiệu tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam
Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam Hoàng Tri Mai cho biết bên cạnh việc mở rộng văn phòng tại Việt Nam, Airbus đã thiết lập một hệ sinh thái cung ứng, nơi các đối tác như Artus (Meggitt) Việt Nam và Nikkiso Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất và cung cấp linh kiện máy bay.
Đẩy mạnh hợp tác hàng không vũ trụ
Airbus đã phát triển, sản xuất và cho ra mắt VNREDSat-1, vệ tinh quan sát Trái Đất đầu tiên của Việt Nam. VNREDSat-1 được phóng lên quỹ đạo vào năm 2013, đánh dấu việc Việt Nam bắt đầu chủ động tham gia khám phá vũ trụ. Hiện nay, vệ tinh này vẫn đang hoạt động tốt mặc dù đã vượt quá thời gian hoạt động dự kiến.
Airbus đang hợp tác chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xác định giải pháp cho vệ tinh VNREDSat-2, trong đó bao gồm chương trình chuyển giao công nghệ. Theo ông Johan Pelissier, VNREDSat-2 sẽ không chỉ cung cấp hình ảnh độ phân giải cao mà còn ứng dụng công nghệ vệ tinh trong sản xuất.
Đại diện Airbus nhấn mạnh Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có công nghệ tự chủ về lĩnh vực không gian vũ trụ. Hiện nay, tại khu vực Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam và Thái Lan phát triển công nghệ vũ trụ tự chủ, cung cấp năng lực giám sát quốc gia.
Airbus nhận thấy tiềm năng phát triển to lớn của ngành hàng không vũ trụ Việt Nam và tập đoàn sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác để hỗ trợ xây dựng và phát triển ngành hàng không vũ trụ.
Bình luận (0)