Gần 20 năm nay, cứ đều đặn 3 giờ sáng, ông Ba Trầu (68 tuổi; người thành lập bếp cơm từ thiện tại ấp 5, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM) chạy chiếc xe máy cũ đến địa điểm nấu cơm.
Những người đặc biệt
Bốn bao gạo được ông vo sạch sẽ, đổ đầy nước và đặt vào bên trong bếp điện. Trong lúc chờ cơm chín, ông Trầu lấy rau củ đã sơ chế sẵn từ đêm hôm trước ra rửa lại, nấu thức ăn. Dù là bếp cơm từ thiện nhưng nguyên liệu chế biến không khi nào thiếu thịt và cá. Hôm ấy, có gần 1.100 phần cơm được phát đi.
Bếp cơm tại ấp 5, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM mỗi ngày nấu hơn 1.000 phần cơm cho xóm lao động, người bệnh và khu cách ly tập trung
Ông Trầu lấy 90 kg xương heo, 20 kg thịt bằm cùng nhiều ký cá khô để chia làm 2 món gồm canh bí đỏ hầm và cá chiên mặn. Để nấu chừng đó thức ăn, ông Ba Trầu phải đến nhiều tiệm làm nồi đặt 2 chảo nấu khổng lồ. Để khiêng được chảo này phải cần sức của 2 người khỏe mạnh. Nhưng qua nhiều năm làm việc này, ông Ba Trầu đã biết cách lựa thế để khiêng chảo dễ dàng. Cả ngàn phần cơm chỉ mất chừng 2 giờ đã hoàn tất.
Đúng 6 giờ, nhiều người lớn tuổi ở xóm ngụ cư dưới chân cầu Ông Lớn (huyện Bình Chánh) lội bộ đến. Chào nhau vài câu rồi tất cả xắn tay vào việc. Trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát ở TP HCM, mọi người đỡ vất vả hơn khi chỉ cần chở đến các điểm phát cơm rồi người dân tự lấy và múc theo nhu cầu. Tuy nhiên lần này, để hạn chế tụ tập đông người, họ phải chia ra từng phần để vào hộp nhỏ.
Các thành viên của bếp cơm đều có hoàn cảnh đặc biệt. Bà Hai đã gần 85 tuổi, sống một mình tại căn chòi nằm bên hông đình Thái Bình. Buổi sáng, bà dành toàn bộ thời gian cho việc nấu cơm. Từ trưa đến tối, bà đi lặt rau nhút kiếm thu nhập. Còn chị Thủy làm nghề buôn bán ve chai, thu nhập không cao nhưng sáng nào cũng đến phụ một tay.
Riêng anh Vũ (33 tuổi) mắc hội chứng Down, sau 2 năm phụ việc để cơm vào hộp nay lanh lẹ dần. Ông Tư ngủ vỉa hè hơn 10 năm cũng dành công sức làm cơm cho người nghèo. Anh Hiền thì chạy xe ba gác thuê và mỗi chiều tìm đến các khu chợ truyền thống xin lại những phần rau củ tiểu thương đóng góp mang về bếp cơm.
Cơm đầy thịt tỏa đi khắp nơi
9 giờ, mẻ cơm đầu tiên với hơn 150 phần được chở đến xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Một số người sẽ đem phát tận nhà người già neo đơn, gia đình khó khăn. Chừng 30 phút sau, 600 phần cơm cùng lúc được chở đến cầu Chánh Hưng, chợ Rạch Ông (quận 8) và một số bệnh viện tại quận 5.
Đúng 10 giờ, 300 phần cơm khác được đưa đến các xóm lao động đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như xóm vé số Phú Yên (cầu Nguyễn Văn Cừ, quận 1). Ông Lương Vĩnh An (70 tuổi, chủ đại lý vé số) cho biết dịch Covid-19 bùng phát, một vài người bán vé số có ý định trở về quê để đỡ tốn tiền sinh hoạt. Tuy nhiên, nghĩ về nguy cơ lây nhiễm cao cho người nhà nên họ đành ở lại chờ qua đợt dịch. Bây giờ, họ gần như không đủ tiền để sinh hoạt.
"Dù biết tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng người bán vé số ngày nào cũng phải đi để mong bán được vài tờ đủ bữa ăn. Có người đi bộ 10 km chỉ bán được 20 tờ vé số. Nhờ có cơm từ thiện mà mọi người dìu nhau qua từng ngày" - ông An nói.
Mới đây nhất, bếp cơm từ thiện này nhận được cuộc gọi từ một nhóm cư dân cách ly tại phường Phước Long A, TP Thủ Đức. Lập tức, mọi người bàn nhau tăng cường số lượng cơm nấu và hằng ngày giao gần 100 phần đến khu cách ly tập trung ở Trường Đại học Văn hóa TP HCM.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND phường Phước Long A, cho biết rất bất ngờ về chất lượng cơm của nhóm từ thiện. Món ăn được thay đổi liên tục theo từng ngày khiến người dân trong khu cách ly lẫn lực lượng hỗ trợ xúc động.
"Dịch bệnh khiến nhiều quán cơm đóng cửa trong khi kinh phí hỗ trợ cho lực lượng dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên và nhiều lực lượng khác bảo đảm an toàn cho khu cách ly còn hạn chế. Bữa cơm miễn phí đã khiến cho mọi người ấm lòng hơn. Hành động này tiếp thêm động lực để mọi người vượt qua khó khăn trong dịch bệnh" - ông Hiếu bày tỏ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-6
Kỳ tới: Lan tỏa yêu thương giữa đại dịch
Nhà hảo tâm thầm lặng
Ông Ba Trầu cho biết dù là cơm từ thiện nhưng không khi nào thiếu đồ ăn mặn. Đây toàn bộ là sự đóng góp từ nhiều người gồm tiểu thương các khu chợ và kể cả những người lao động.
"Gạo của bếp cơm chưa khi nào thiếu. Mỗi tháng có một người giấu tên chở đến 2-3 tấn gạo. Họ giúp đỡ bếp cơm hơn 10 năm nhưng đến giờ tôi không biết là ai. Còn cá kho, thịt đều được mỗi người góp một ít. Có người ngủ vỉa hè, nhặt ve chai gom góp bán được 200.000 đồng là chạy đến bếp cơm để xin giúp một tay. Bữa cơm hằng ngày của họ ăn cũng nhờ từ đây mà ra" - ông Ba Trầu tâm sự.
Dịch bệnh khiến nhiều người thất nghiệp. Mỗi ngày, ông Trầu nhận hàng chục cuộc gọi xin đến chung tay. Tuy nhiên, do sợ tập trung đông người nên ông chỉ ghi nhận tình cảm của mọi người. Điều khiến ông xúc động nhất chính là rất nhiều người xa lạ đã chuyển thực phẩm, nguyên liệu đến bếp cơm nhiều hơn ngày thường để cùng nhau giúp đỡ người khó khăn.
Bình luận (0)