Câu chuyện phi lý như trên lại diễn ra trong lúc Chính phủ đang nỗ lực cắt giảm biên chế để nâng hiệu quả công việc của bộ máy nhà nước, giảm gánh nặng cho ngân sách. Hội nghị Trung ương 6 vừa diễn ra cũng nêu rõ nhiều địa phương và cả trung ương thực hiện không nghiêm túc việc tinh giản biên chế, khiến bộ máy ngày càng phình to, ngốn hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Theo số liệu chính thức được công bố, cả nước có đến 2,5 triệu biên chế hưởng lương ngân sách. Đó là không kể biên chế của ngành công an, quân đội và doanh nghiệp nhà nước. Bao nhiêu con người hưởng lương từ tiền đóng thuế của người dân thì tiền nào chịu nổi.
Chỉ trong năm 2016, số tiền để trả lương cho bộ máy biên chế này lên đến 410.000 tỉ đồng. Con số khổng lồ, bằng tổng thu ngân sách vài chục tỉnh hạng trung của quốc gia. Mà nào phải đất nước giàu có gì cho cam, chúng ta vẫn thuộc nhóm các quốc gia nghèo của thế giới; nợ công đang rất cao, áp lực trả nợ lớn; đời sống người dân ở nhiều vùng còn rất khổ...
Câu chuyện ùn ùn đổ xô vào biên chế nhà nước đã diễn ra từ lâu và các cơ quan chức năng cũng đã thấy hậu quả nặng nề của nó nhưng hơn chục năm qua hầu như chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Cách đây không lâu, dư luận không khỏi bức xúc khi một xã ở Thanh Hóa có đến hơn 200 cán bộ. Tại nhiều địa phương khác, không ít cán bộ xã, huyện cài cắm người nhà, họ hàng vào bộ máy chính quyền. Cơ quan nhà nước từ lâu đã là chốn yên thân của hàng vạn cán bộ thủng thỉnh làm việc nhưng lại không ngại ngùng hưởng lộc hết năm này qua năm khác. Tất nhiên, họ có đủ lý do để biện minh cho những trường hợp này là "đúng quy trình" nhưng người dân thừa biết chẳng có quy trình nào để những người thiếu năng lực cứ mãi chìa tay nhận lương hằng tháng.
Còn chất lượng của không ít cán bộ thì như chúng ta đã biết, chưa đủ chuẩn ngay từ đầu vào mà cơ quan chức năng vừa công bố ở một số địa phương. Ngay khi áp thấp nhiệt đới đang tràn vào gây mưa lớn, lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc, chúng ta cũng thấy hình ảnh vị chủ tịch phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cầm ô đứng trên bè để người dân lội nước, đội mưa kéo đi trên phố. Ở bình diện rộng hơn, bộ máy quản lý nhà nước lớn như thế nhưng đến nay có đến mấy chục tỉnh, thành không tự lo nổi ngân sách phải xin trung ương cấp. Chiếm phần lớn trong số ngân sách xin thêm này chính là để trả lương cho cán bộ.
Biên chế quá lớn, năng lực của một bộ phận cán bộ quá kém, ngân sách quốc gia còn hạn hẹp... thì còn chần chờ gì nữa mà không thẳng tay loại những người kém cỏi ra khỏi bộ máy nhà nước.
Thêm một cán bộ thừa thì ngân sách quốc gia thêm nghèo và người dân thêm nặng gánh, oằn vai.
Bình luận (0)