Và thực tế đã xảy ra đúng như vậy. Mới vào đầu mùa mưa bão mà Trung Bộ đã oằn mình, tang thương. Tại sao đã tiên đoán đúng nhờ kinh nghiệm sống và dự báo chính xác bằng khoa học mà vẫn phải gánh chịu hậu quả tàn khốc? Ấy là bởi bên cạnh thiên tai còn có nhân tai. Bị "thập diện mai phục", ai chống đỡ cho nổi?!
Nhân tai - chỉ đích danh là quy hoạch thủy điện dày đặc và nạn phá rừng. Quy kết phá rừng là nói chung, riêng làm thủy điện cũng phá rừng. Tỉ lệ cây mới nhà đầu tư buộc phải trồng để bù đắp diện tích rừng đã mất sau khi làm thủy điện chẳng bao nhiêu, trong khi đó, theo Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), ở Việt Nam bình quân mất từ 10 đến 30 ha rừng để tạo ra 1 MW điện. Cả nước có hơn 385 nhà máy thủy điện đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 18.564 MW, tức là rừng bị phá biết bao nhiêu!
Dẫu không phải 100% dự án thủy điện đều đụng tới rừng nhưng hậu quả của làm thủy điện dày đặc trên các hệ thống sông lớn, độ dốc cao đâu chỉ làm mất rừng mà còn gây ra bao hậu quả nghiêm trọng khác. Người dân thiếu đất trồng trọt, mất sinh kế, sạt lở và ngập lụt. Chuyện đang diễn ra trước mắt chứ nào phải suy diễn. Lũ quét, lở núi ở vùng cao huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng ở cụm thủy điện Rào Trăng và ngập lụt nghiêm trọng dài ngày ở các tỉnh miền Trung mấy ngày qua... cho thấy rừng đã mất thêm nhiều lắm, đầu nguồn không còn giữ được nước. Đó cũng là bằng chứng tố cáo lòng tham vô độ của con người. Ông bà ta đúc kết chẳng sai: Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt!
Lợi ích to lớn của thủy điện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta là không thể bàn cãi. Nhưng mặt trái việc xây thủy điện tràn lan cũng rất kinh hoàng. Thủy điện đã có rất nhiều và lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng khác như mặt trời, gió, than cũng ngày một tăng, dù vậy điện vẫn đang thiếu so với nhu cầu sử dụng, riêng trong năm 2020 tổng sản lượng phụ tải thiếu hụt khoảng 2,15 tỉ KWh. Giá bán hấp dẫn và sức tiêu thụ tốt như thế nên người ta lao vào làm thủy điện, để rồi hôm nay chuyện gì đến đã phải đến...
Các bộ, ngành hữu quan chối bỏ cáo buộc lũ chồng lũ ở miền Trung là do thủy điện. Bởi theo các cơ quan này, thủy điện còn có vai trò cắt lũ và giảm lũ; việc xả lũ để giữ cho hồ đập không vỡ đều tuân theo quy trình vận hành liên hồ chứa rất nghiêm ngặt và lưu lượng xả không được lớn hơn lưu lượng nước đổ về hồ...(?!). Lý thuyết là vậy còn thực tế thì sao? Thử hỏi trong lúc hạ du đang ngập sâu vì mưa lớn kéo dài nhiều ngày, lại bị bão quần tả tơi mà các thủy điện vẫn xả lũ "đúng lưu lượng" mỗi ngày thì có phải đẩy người dân vào thế nguy khốn? Dường như nhiệm vụ cắt lũ đang bị các chủ đầu tư lợi dụng để bảo vệ nguồn lợi của mình?
Bình luận (0)