Đối với mỗi học sinh, ngày đầu tiên của năm học mới bao giờ cũng đặc biệt. Cảm giác sau những ngày xa cách được gặp lại bạn bè luôn có sức hấp dẫn với tuổi học trò. Mấy năm gần đây, học xong nửa tháng rồi mới khai giảng làm mất đi tâm trạng háo hức chờ đợi trong tâm lý học sinh. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sau khai giảng mới được học thì lại bị dịch Covid-19.
Khai giảng vào mùa dịch có cái khó. Làm sao để khai giảng vừa vui lại vừa bảo đảm an toàn? Phải giải bài toán này bằng phương pháp nào?
Về số lượng và đối tượng tham dự, nên chọn khối 10 và 12 đi khai giảng. Vì khối 12 sắp ra trường cần có những kỷ niệm để lại. Còn khối 10 mới vào đang trong tâm trạng náo nức còn lạ trường chưa quen lớp, cần cho các em có dịp tiếp xúc với thầy cô bạn bè. Với số lượng học sinh 2 khối có thể ngồi giãn cách và đeo khẩu trang như ở trong lớp.
Phương án 2, nếu sân trường nhỏ không đủ rộng nên chỉ dành cho học sinh khối 10. Vì đây là khối đầu tiên mới mẻ. Khối 12 dù có chút luyến tiếc nhưng các em cũng đã 2 năm được khai giảng ở trường.
Phương án 3 là lấy đại diện theo từng khối, có thể lấy đại diện học sinh là cán bộ lớp. Nhưng theo cách này có vẻ ưu tiên theo chức vụ, do đó nên quy định số lượng học sinh được tham gia khai giảng của mỗi khối, sau đó cho học sinh đăng ký tự nguyện. Cách này vừa bảo đảm sự công bằng vừa lựa chọn được đối tượng học sinh tâm huyết với ngày khai giảng.
Về thời gian và hình thức khai giảng. Thông thường một buổi lễ khai giảng trước đây phải mất 90 phút. Lễ thường có diễn văn khai mạc của hiệu trưởng, biểu diễn văn nghệ, phát biểu cảm tưởng của học sinh, phát biểu của đại biểu, đón chào học sinh mới, diễu hành, lễ xướng danh học sinh đạt điểm cao trong niên khóa trước, tuyên dương học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi... Trong bối cảnh hiện này nên cắt giảm bớt, tất cả nên ngắn gọn, súc tích, lắng đọng. Hãy tổ chức đơn giản nhưng trang nghiêm, ngắn gọn nhưng không sơ sài. Ngày vui mà thiếu tiếng hát thì không được trọn vẹn, vài ba tiết mục đơn ca, song ca sẽ làm tinh thần mọi người phấn chấn hơn. Những tiết mục tốp ca, múa đoàn tốn kém thời gian công sức và không bảo đảm về phòng dịch nên hạn chế. Trong lễ khai giảng thường lúc nào cũng có bài phát biểu của học sinh nhưng do sợ các em phát biểu sai nên một số nơi được thầy cô chỉnh sửa quá mức hoặc viết sẵn cho các em đọc, làm mất đi sự tự nhiên, chân thật. Hãy để cho các em nói lên cảm xúc của mình một cách hồn nhiên và tự nhiên.
Mỗi trường, mỗi địa phương tùy vào hoàn cảnh riêng của mình mà có cách lựa chọn phù hợp tổ chức lễ khai giảng. Nhưng lựa chọn cách nào cũng phải bảo đảm vừa đem đến niềm vui hạnh phúc cho học sinh vừa bảo đảm chống dịch. Luôn nhớ rằng, sức khỏe, sự an toàn của các em học sinh cùng thầy cô giáo và tất cả mọi người là yêu cầu cao nhất. Đó mới là một lễ khai giảng trọn vẹn ý nghĩa.
Bình luận (0)