Ngày 13-10, báo Người Lao Động đăng bài tải bài viết "Đua nhau kiếm tiền từ Youtube", trong đó phản ánh tình trạng "ăn tươi nuốt sống" kiếm cả trăm triệu đồng. Không ít ý kiến bạn đọc đã bày tỏ thái độ bức xúc trước các video có nội dung phản cảm, ăn các món ăn tươi sống và giới thiệu đó là ẩm thực của đồng bào dân tộc miền núi.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với PGS-TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, để làm rõ các video có nội dung như trên có phải là văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số.
Hình ảnh nam thanh niên ăn cá sống, giới thiệu đây là món ăn của vùng núi Tây Bắc - Ảnh cắt từ clip
PGS-TS Trần Hữu Sơn cho biết ông đã xem các video trên nền tảng Youtube và khẳng định đó là "bịa" văn hóa ẩm thực. "Người dân tộc miền núi có ăn một số món tươi sống, nhưng hầu hết họ ăn vào dịp lễ hội. Hơn nữa, họ ăn uống văn minh, có sơ chế, các loại gia vị như thế nào để trung hòa món ăn và ăn thưởng thức để duy trì một nét văn hoá. Không phải như các video đăng tải trên mạng, cá được bắt từ ao hồ lên, ăn tươi nuốt sống, máu còn chảy, như vậy là "bịa" văn hoá, không có dân tộc nào ăn uống như vậy cả"- ông Sơn nhấn mạnh.
Bày tỏ lo ngại trước tình trạng này, PGS-TS Trần Hữu Sơn cho rằng những video như trên xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, khiến đông đảo người xem có cái nhìn sai về văn hóa của đồng bào dân tộc. "Bản thân người dân của dân tộc đó họ cũng thấy bị xúc phạm khi theo dõi những video phản cảm đó. Những hình ảnh "bịa" đó làm méo mó đi bản sắc văn hóa của dân tộc"- ông Sơn nói.
Theo ông Trần Hữu Sơn, các video về "ăn tươi nuốt sống" được đăng tải nhằm kích thích sự tò mò của người xem, từ đó câu view, kiếm tiền. Vị chuyên gia cho rằng những người làm video nhằm mục đích thu lợi, không hiểu biết về văn hoá, và đáng lo ngại là một bộ phận lớn người sản xuất video là thanh niên. Điều này cho thấy nhận thức về văn hoá, lối sống của một bộ phận thanh niên bị lệch lạc, không đúng chuẩn mực.
Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh hiện nay người xem Youtube rất nhiều, bản thân đồng bào dân tộc cũng xem rất nhiều, cho nên các video có nội dung phản cảm xuất hiện tràn lan sẽ gây hệ lụy xấu, lệch chuẩn, tạo thành nếp nghĩ sai về các dân tộc thiểu số, tạo ra khuôn mẫu kém về văn hoá.
PGS-TS Trần Hữu Sơn cho rằng cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương cần mạnh tay hơn nữa để xử lý tình trạng này, "làm sạch" không gian mạng nhằm bảo vệ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, thay vì để nó bị méo mó như hiện nay.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, trào lưu "ăn tươi nuốt sống" cũng đổ bộ trên nền tảng YouTube để hút khách, câu view nhằm kiếm tiền. Tìm kiếm từ khóa "ăn cá sống" trên YouTube sẽ ngay lập tức xuất hiện hàng loạt video với những hình ảnh rùng mình. Không ít video "gắn mác" là món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số để câu view.
Dẫn chứng như kênh YouTube Hoa Ban Đỏ đăng video với tiêu đề "ăn cá sống siêu kinh dị" với khung cảnh một nhóm nam thanh niên ăn sống những con cá nặng vài kilogam, được chế biến sơ sài ngay cạnh ao, hồ. Những video ăn pịa dê, pịa bò hay ăn rết, ăn cua sống... cũng xuất hiện nhiều trên YouTube.
Bình luận (0)