Trước đó, khi báo đăng (3-6), đại diện lãnh đạo Công ty CP Bến xe Tàu phà Cần Thơ (chủ đầu tư Bến xe Cần Thơ) giải thích rằng trước khi tiến hành thu thì các loại giá dịch vụ đã được công ty trình Sở Tài chính để sở tham mưu cho UBND TP ra quyết định. Ngoài ra, Bến xe Cần Thơ hoạt động theo mô hình cổ phần nên giá không thể so với Bến xe Miền Tây của TP HCM (thu cao gấp 3 lần Bến xe Miền Tây).
Hầu hết các nhà xe phải sử dụng dịch vụ của Bến xe Cần Thơ. Ảnh: LÊ KHÁNH
Tuy nhiên, các nhà xe không đồng tình với cách lý giải này. Công ty Xe khách Phương Trang (Futa Buslines - đã có văn bản phản ánh đến UBND TP Cần Thơ) đặt ra hàng loạt câu hỏi: Một, theo Quyết định 542/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ ban hành ngày 7-3-2019, giá dịch vụ xe ra - vào bến theo khung được phép thu là từ 9.000 đến 9.800 đồng/giường/chuyến, vì sao Bến xe Cần Thơ thu giá tối đa là 9.800 đồng mà không áp giá 9.000 đồng hay mức bình quân 9.400 đồng? Hai, Quyết định 542 chỉ cho thu giá dịch vụ xe ra - vào bến; còn các dịch vụ khác như: dịch vụ xe khách lên - xuống hàng hóa, dịch vụ cho thuê vị trí đậu xe lên tài đón khách có mái che, dịch vụ thu gom rác tại xe, dịch vụ cung ứng hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến, chào mời hướng dẫn hành khách đi đúng từng chuyến xe theo biểu đồ chạy xe của nhà xe…, Bến xe Cần Thơ tự ý đặt ra để thu - là dựa trên cơ sở nào?
Đại diện một doanh nghiệp (DN) vận tải đang thuê dịch vụ tại Bến xe Cần Thơ cho biết: "Họ mời chúng tôi qua làm việc hồi tháng 12-2019 rồi ký hợp đồng, trong khi chúng tôi không biết các cơ cấu giá đã được Sở Tài chính thẩm định, HĐND TP thông qua hay chưa. Trước đó, mấy khoản như gom rác, chở động vật hoang dã, phòng chống khủng bố… nhà xe không phải đóng nhưng từ ngày 1-1-2020 thì họ thu. Chúng tôi thấy không thỏa đáng!".
Theo DN này, họ đăng ký với Sở GTVT TP Cần Thơ là chạy 70 chuyến/ngày đối với tuyến Cần Thơ - TP HCM và bị thu 9.800 đồng/giường. Nhưng giữa tuần, hành khách đi ít, có ngày chỉ chạy được 50-60 chuyến, những chuyến không chạy (từ 10-20 chuyến) vẫn bị Bến xe Cần Thơ truy thu 6.500 đồng/giường. Điều này bất hợp lý vì xe không hoạt động mà vẫn bị thu. Những khoản thu phát sinh đã ảnh hưởng đến việc khai báo giá của nhà xe khiến chi phí hoạt động của DN vận tải cao, từ đó tác động tới cơ cấu giá vé. Hiện, 1 xe 34 giường khi xuất bến phải đóng 474.000 đồng (chưa gồm thuế GTGT), tính ra mỗi xe xuất bến mất 5 giường, chưa kể các khoản phí khác.
Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển cho rằng kiểu hoạt động như Bến xe Cần Thơ là độc quyền vì các chuyến xe về Cần Thơ phải sử dụng dịch vụ của bến trung tâm này. Những dịch vụ độc quyền như vậy không phải là DN kinh doanh bình thường, cho nên các loại phí và lệ phí phải được công khai. Đồng thời, những DN sử dụng dịch vụ phải được biết vốn đầu tư của dự án là bao nhiêu để biết mức thu phí có hợp lý không? Muốn vậy, chủ đầu tư bến xe phải công khai chi phí đầu tư, không được phép cứ kê chi phí thật lớn rồi tính ra thu phí để bù đắp lại, trong khi thật sự không phải vậy. Ngay cả những dịch vụ trong bãi xe, nếu thu thêm phí cũng phải có sự lựa chọn cho khách hàng: đậu xe bình thường thì giá nào và đậu xe ở nơi chất lượng hơn thì giá sẽ khác.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhìn nhận việc chủ đầu tư đưa ra quá nhiều lệ phí và phí vô lý, không có trong danh mục biểu phí được cơ quan quản lý địa phương ban hành là một kiểu lệ làng. Thử so sánh, BOT cũng là DN đầu tư nhưng muốn thu phí cũng cần thông qua ý kiến của Bộ GTVT và Bộ Tài chính về mức phí và thời gian thu. Dù là DN tư nhân đầu tư bến xe và tự đưa ra mức phí nhưng phải hợp lý, không được lạm thu. Tình trạng này sẽ phần nào làm xấu môi trường kinh doanh tại địa phương.
Bình luận (0)