Vốn là nơi neo đậu tàu thuyền tránh bão, âu thuyền Thọ Quang nay gánh thêm 2 chức năng là cảng cá lớn nhất miền Trung và chợ đầu mối thủy hải sản. Nước xả thải từ nhiều nguồn cộng với rác thải từ tàu cá, từ hoạt động buôn bán thủy sản khiến âu thuyền bị ô nhiễm nặng nề.
Huy động cả nhân viên đi nhặt rác
Mỗi ngày, hơn 300 lượt tàu bè cập cảng, thời gian cao điểm có hơn 1.000 tàu neo đậu. Những ngày nắng nóng này, mùi hôi bốc ra nồng nặc. Rác thải ngập ngụa âu thuyền, từ bao ni-lông, thùng xốp đến xác cá vụn, rác thải sinh hoạt từ tàu thuyền cập cảng…
Theo ông Võ Đình Công - Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà - ô nhiễm tại âu thuyền không chỉ ảnh hưởng đến người dân ở phường này mà còn 2 phường khác gồm Mân Thái và Nại Hiên Đông. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không phải từ rác thải mà do âu thuyền là "ao tù", bao nhiêu nước thải, rác đều đọng lại.
Ông Công cho rằng việc xử lý rác thải đọng ở âu thuyền khá đơn giản, chỉ cần giao nhiệm vụ cho một đơn vị thực hiện vớt rác thải liên tục. Ngoài ra, liên tục tuyên truyền cho ngư dân và người dân sống gần đó. Còn mùi hôi từ bùn ứ ở dưới âu thuyền thì cần giải pháp xử lý từ các cấp của thành phố.
Theo Ban Quản lý (BQL) âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, âu thuyền là khu vực dùng chung với nhiều tổ chức, cá nhân nên việc kiểm tra, giám sát về rác thải rất khó thực hiện. Khu vực trên bờ âu thuyền dài hơn 4.000 m trong khi khuôn viên quản lý của BQL âu thuyền và cảng cá Thọ Quang hoạt động khoảng 700 m tại bờ Đông. Phần còn lại thuộc bờ Tây được bố trí cho các doanh nghiệp, HTX đóng sửa tàu thuyền. Khu vực thuộc đường Vũng Thùng 9 chủ yếu được bố trí cho các hộ kinh doanh, đường Chu Huy Mân là đường dân sinh sát với khu dân cư và khu vực dưới chân cầu Mân Quang là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chế biến bột cá hoạt động.
Bên cạnh đó, từ công đoạn nhập nguyên liệu, xuất phế phẩm, bùn thải bị ứ đọng do đơn vị vận chuyển thu gom không liên tục và các xe vận chuyển thủy sản đậu đỗ, xả nước ra đường. Cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giám sát việc phát tán mùi ra môi trường và chưa có chế tài xử phạt nên chỉ nhắc nhở doanh nghiệp dùng chế phẩm để xử lý mùi hôi.
Rác thải ngập ngụa, nước đen sì và bốc mùi hôi ở âu thuyền Thọ Quang
Khó xử lý triệt để
Ông Phạm Trung Thành, Phó BQL âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, cho biết BQL có 60 cán bộ, nhân viên. Lâu nay, cán bộ của BQL kể cả lãnh đạo ban như ông Phạm Trung Thành vẫn đi nhặt rác ở âu thuyền vào ngày đầu và giữa tháng âm lịch. Đây là lúc tàu bè vào neo đậu nhiều ngày để nghỉ trước khi ra khơi đợt tiếp theo nên số lượng rác tồn đọng khá lớn, nhân viên môi trường không thể dọn dẹp hết trong 1 ngày mà phải huy động cán bộ, nhân viên của BQL.
"Để giải quyết triệt để ô nhiễm là rất khó, muốn vậy phải quy hoạch lại hoàn toàn, phân khu chức năng để giảm thiểu ô nhiễm" - ông Thành nói.
Về biện pháp trước mắt, BQL đã đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng về việc lập cửa kiểm soát tàu bè trước khi cập cảng. Theo đó, các tàu cá phải được bảo đảm các yếu tố về xử lý nước thải, rác thải.. thì mới cho xuất bến. BQL đề xuất thay đổi kè âu thuyền từ kè nghiêng sang kè đứng, đồng thời lắp các lưới chắn rác ở khắp các cửa xả của âu thuyền.
Các đề xuất trên chỉ có thể giảm thiểu ô nhiễm chứ chưa phải là giải pháp căn cơ. "Vấn đề ô nhiễm của âu thuyền phần lớn là do quá tải tàu bè và vị trí của âu thuyền nằm ở khu vực vịnh, nước không lưu thông, bùn đáy hơn 10 năm nay chưa được nạo vét" - ông Thành nói.
Ban hành kế hoạch xử lý ô nhiễm
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, cho hay UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết định về việc ban hành kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang giai đoạn 2020-2025. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 27 tỉ đồng từ ngân sách thành phố.
Từ nay đến năm 2022, các cơ quan liên quan sẽ thực hiện hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm: hệ thống thu gom nước mưa, nước thải riêng biệt vào khu vực cầu cảng và khu chợ đầu mối, xây dựng, cải tạo và vận hành hệ thống xử lý nước thải tại khu dịch vụ và chợ đầu mối thủy sản. UBND quận Sơn Trà cũng được giao thực hiện lắp 4-6 camera dọc khu vực đường Chu Huy Mân đến khu vực phía Tây âu thuyền để đôn đốc, nhắc nhở hành vi xả thải và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, BQL âu thuyền cũng được giao cùng với Trạm Biên phòng Sơn Trà lắp đặt trạm kiểm soát thông thuyền tại cửa thông của âu thuyền để kiểm soát tàu tuân thủ về chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Cũng theo ông Hùng, một trong những nguyên nhân khiến âu thuyền bị ô nhiễm nặng nề là do lớp bùn bên dưới nên trong kế hoạch lần này sẽ thực hiện công tác nạo vét bùn.
Theo kế hoạch, UBND TP Đà Nẵng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP đề xuất với các cơ quan trung ương về kế hoạch xây dựng trung tâm nghề cá lớn tại TP Đà Nẵng.
Bình luận (0)