Từng một thời, bà con dân tộc người Pa Cô ở rẻo cao A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) quan niệm việc sinh nở diễn ra trong chính ngôi nhà sàn của gia đình mình luôn mang đến những điều xui rủi. Vì vậy, người phụ nữ đến kỳ trở dạ phải lên rẫy dựng chòi và vượt cạn một mình.
Tuyên chiến với hủ tục
Ông Hồ Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch HĐND xã A Vao, nguyên cán bộ y tế thôn bản, nhớ lại: "Ngày đó, phụ nữ tới kỳ sinh nở là phải khăn gói lên rẫy dựng chòi hoặc ở trong những căn chòi dựng sẵn để vượt cạn. Tiết trời khắc nghiệt, đường từ nhà lên rẫy xa và hiểm trở, điều kiện thiếu thốn nên có nhiều đứa trẻ tử vong thương tâm khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Hành trình thuyết phục bà con đến trạm xá xã sinh con vô cùng gian nan, nếu không muốn nói là một cuộc cách mạng để thay đổi tư duy, nếp nghĩ".
Năm 1998, bác sĩ (BS) Trịnh Đức Thiện về nhận nhiệm vụ tại Trạm Y tế xã A Vao. Từ đó, mỗi chuyến về bản của BS Thiện đều có ông Nghiệp đồng hành.
A Vao là xã giáp biên giới Việt - Lào, địa hình hiểm trở với những bản làng cheo leo, tách biệt, cách trung tâm xã hàng chục cây số đường rừng.
"Mỗi chuyến đi, hai anh em chúng tôi luôn chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị sẵn sàng ở lại bản vì đường sá khó khăn, mưa lũ bất chợt khiến nước các con suối dâng cao, chặn đường về. Chuyện để đồng bào hiểu và bỏ hủ tục không phải một sớm một chiều. BS Thiện đưa ra phương châm "mưa dầm thấm lâu" để vận động. Hễ gia đình nào có phụ nữ chuẩn bị sinh con là hai anh em tìm đến giải thích, thuyết phục. Một lần không được thì quay lại lần hai, lần ba và nhiều lần khác. Rồi thuyết phục cả già làng, trưởng bản để tạo thêm niềm tin" - ông Nghiệp kể.
Cả chục năm trời, BS Thiện kiên trì như thế để vận động người dân ốm đau đến trạm y tế, khi nằm ngủ phải mắc màn và giữ vệ sinh nhà cửa để phòng bệnh sốt rét, sốt xuất huyết…, cho đến từ bỏ hủ tục đẻ ở chòi.
Nhờ sự vận động tận tình của BS Trịnh Đức Thiện, dân bản ốm đau đã biết đến trạm y tế
Có lần, đang giữa ca trực, nghe tiếng kêu cứu của ông Côn Yên từ đầu bản, BS Thiện vội vàng mang y cụ và gọi đồng nghiệp đi cùng. Chạy bộ được tầm 10 km đường rừng vào thôn Kỳ Nơi thì gặp người dân đang dùng võng để cáng ra trạm y tế một sản phụ đã tím tái. Lúc ấy, bàn tay đứa bé đã thòi ra ngoài. BS Thiện nhanh chóng xác định ngôi thai nằm ngang và dùng phương pháp đỡ đẻ nội xoay thai. Hơn một giờ sau thì cứu được hai mẹ con an toàn. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.
Lần khác, một phụ nữ trở dạ khi mang song thai gặp nguy hiểm cũng được BS Thiện cứu kịp thời. Đó là chị Căn Đang. "Hồi đó, tôi lên chòi để đẻ. Khi những cơn đau trở dạ tưởng chừng ngất đi, tôi rất sợ vì bên cạnh không có ai giúp đỡ. May có BS Thiện vận động gia đình và thanh niên trong bản kịp thời đến đưa tôi về trạm y tế. Bây giờ nhìn hai con mạnh khỏe, nhớ lúc vượt cạn một mình, tôi vẫn giật mình. Không có BS Thiện, tôi không biết mình sẽ vượt qua như thế nào" - chị Căn Đang xúc động.
Một lần khác, nghe tin ở thôn Tân Đi 1 có sản phụ lên chòi chuẩn bị sinh nở, đường sá đi lại khó khăn, BS Thiện tức tốc chạy qua đồn biên phòng mượn tạm con ngựa phóng đi cho kịp. Nhưng khi đến nơi thì sản phụ đã sinh xong. BS Thiện giúp sát trùng, dặn dò sản phụ giữ vệ sinh. Hôm đó, về tới trung tâm xã thì trời đã tối đen. Mấy hôm sau, nghe tin sản phụ qua đời vì tự ý tắm suối bị nhiễm trùng, BS Thiện bần thần cả thời gian dài. Thời điểm đó là năm 1999.
"Không phải sản phụ nào cũng may mắn khi giữ hủ tục đẻ chòi. Nhiều trường hợp khi nắm được thông tin, mình không đến kịp, nhiều đứa trẻ và thậm chí cả sản phụ đã không qua khỏi" - BS Thiện ngậm ngùi.
Mệnh lệnh cứu người luôn thôi thúc ông hành động. Nhiều người dân ở xã A Vao nhớ suốt nhiều năm liền có một căn chòi tre lá được dựng lên bên trong khuôn viên trạm y tế xã. "Để người dân từ bỏ một hủ tục đã tồn tại lâu đời cần có nhiều thời gian. Vì thế, tôi nghĩ ra cách dựng chòi ngay trong trạm y tế để bà con an tâm sinh nở và mình có thể thực hiện chuyên môn an toàn cho trẻ và sản phụ" - BS Thiện kể.
Dần dần, khi tạo được niềm tin, các sản phụ thay vì sinh nở trong chòi đã chịu vào giường bệnh của trạm. Nhiều ca sinh khó đã nghe lời tư vấn để về các bệnh viện tuyến trên.
"Vài năm trở lại đây, hủ tục đẻ trong chòi đã hết. Phụ nữ thường xuyên đến trạm y tế khám thai kỳ và đăng ký ngày sinh. Kết quả đó là hành trình hàng chục năm trời không mệt mỏi và một trái tim ấm tình người của BS Thiện" - ông Nghiệp khẳng khái nói.
Chật bụng chứ không chật nhà
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 hoành hành nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhưng A Vao vẫn giữ vững là "vùng xanh". Thành quả đó một phần nhờ nỗ lực từ công tác tuyên truyền của trạm y tế xã.
Nghe dịch bùng phát, BS Thiện cũng anh em trong trạm bất kể ngày đêm băng rừng, vượt suối đến tận từng bản làng để tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh. Phải "cầm tay chỉ việc" cho người dân từ cách đeo khẩu trang đến khử tay sát khuẩn, vệ sinh nơi ở. Nắm bắt từng trường hợp lao động từ xa trở về quê để tư vấn, tuyên truyền phòng bệnh. Kết nối với các già làng, trưởng bản lập thành hệ thống phòng dịch.
Ở đồng bằng, chỉ cần thông báo là người dân tập trung đến địa điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Miền núi không như thế. Mấy tháng qua, BS Thiện cùng đồng nghiệp phải đội mưa, băng suối, vượt những cung đường lầy lội đến tận từng bản, có khi phải vào tận từng nhà mới tiêm được cho người dân. Thường phải đi từ khi trời chưa sáng kịp trước khi người dân lên rẫy, trở về đến trạm thì đã qua ngày khác.
BS Trịnh Đức Thiện cùng đồng nghiệp vượt rừng đi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân bản Pa Lin
"Miền núi kinh tế còn nhiều khó khăn nên phải bám bản, bám làng mới giữ vững được "vùng xanh" để giúp người dân phòng bệnh" - BS Thiện nói.
Bám bản nhiều năm, nhìn các cháu học sinh từ các bản xa về trung tâm xã học bậc THCS quá vất vả, cách đây 6 năm, BS Thiện bàn với vợ là bà Hoàng Thị Thương thu xếp không gian trong căn nhà nhỏ của mình để làm chỗ cho các cháu trọ học. Được sự đồng thuận của vợ, BS Thiện cơi nới thêm phòng để cho các cháu đến ở lại, tiện cho việc học. Từ vài ba học sinh ban đầu, sau đó có thời điểm tới 20 học sinh. "Chật bụng chứ không chật nhà. Vợ chồng tôi tạo điều kiện để mong các cháu vượt ra khỏi vòng luẩn quẩn của nương rẫy. Học con chữ để xây dựng tương lai tươi sáng hơn" - bà Thương trải lòng.
Những ngày tháng sau đó, cứ cuối tuần, ngày nghỉ hoặc đầu mỗi năm học mới là vợ chồng BS Thiện lại ngược xuôi trên xe máy đi xin áo quần cũ, quyên góp hỗ trợ thêm cho học trò từng đôi dép, tập vở... Các cháu thiếu thứ gì, họ lại đi xin thứ đó, cốt để các cháu đủ no, đủ ấm mà an tâm đến trường. Vợ chồng BS Thiện còn dạy các cháu cách ăn ở vệ sinh, nhắc nhở thời gian học hành nghiêm túc. Những bữa cơm tập trung đông đủ các thành viên, học trò gọi vợ chồng BS Thiện bằng bố mẹ và trò chuyện thân mật, cởi mở như một gia đình, không khí thật ấm áp.
Thấy con học hành chăm ngoan, không bỏ dở giữa chừng, nhiều người tìm đến gửi con ở lại luôn. Có người nói: "Bác Thiện không cho con mình ở lại thì mình cho cháu nghỉ học luôn". Thế là dù nhà chật đến mấy, vợ chồng BS Thiện cũng thu vén thêm chỗ ở cho học trò. Có cháu tốt nghiệp THCS rồi, dù lên bậc THPT thì nhà trường đã có chỗ nội trú nhưng vẫn nhất mực xin trọ lại nhà BS Thiện để đi học.
Đến đầu năm học mới 2021-2022, để thuận tiện cho sinh hoạt, học tập của các cháu, nhà trường đã chuyển các cháu về nội trú ngay trong trường. Dù vậy, cứ đến cuối tuần, trước khi về nhà ở các bản xa, các cháu đều tạt qua thăm nhà BS Thiện. Nhiều học sinh đã tốt nghiệp THPT, lập gia đình cũng tìm về khi có dịp.
Em Hồ Thị Nhoan, học sinh lớp 8, trú bản Pa Lin, cho biết: "Trước khi vào nội trú trong trường đầu năm học vừa rồi, cháu đã ở lại nhà BS Thiện suốt 3 năm. Bác như là cha của chúng cháu, thường xuyên nhắc nhở, bảo ban làm bài tập. Cuối tuần hay lễ tết bác còn dùng xe máy chở cháu và các bạn về vì nhà xa, bố mẹ không có phương tiện đưa đón. Bây giờ về trường nội trú nhưng nhà của BS Thiện cũng giống như ngôi nhà thứ 2 của cháu vậy".
Để dân tin mà lựa chọn
Năm 1998, tốt nghiệp Trung cấp Y tế Huế, y sĩ Trịnh Đức Thiện khăn gói từ xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đến A Vao nhận công tác.
Trung tâm Y tế xã A Vao ngày đó làm bằng tranh, tre nứa. Trạm vắng tanh, người dân ốm đau chỉ mời thầy mo về nhà cúng. BS Thiện bắt đầu "cuộc chiến" kéo bệnh nhân về trạm bằng cách tạo mối quan hệ với già làng, trưởng bản và nhờ uy tín của họ để thay đổi hủ tục lạc hậu.
"Có trường hợp thấy tôi cầm kim tiêm là đã run lập cập, thậm chí trốn vào rừng. Tôi phải giải thích, thuyết phục mãi người dân mới an tâm. Khó và khổ nhưng mình phải cho thấy sự tốt đẹp của lối sống văn minh để người dân tin mà lựa chọn" - BS Thiện kể.
BS Trịnh Đức Thiện chăm những cây thuốc nam để dùng chữa bệnh cho bà con
Vừa công tác, ông vừa trau dồi chuyên môn để người dân ốm đau được điều trị tốt hơn. Từ một y sĩ, nay ông đã tốt nghiệp ĐH ngành y đa khoa của Trường ĐH Y Dược - Đại học Huế, hoàn thành tiếp cả chương trình cao học. Bốn năm qua, ông liên tục có đề tài nghiên cứu khoa học về những cách làm mới thiết thực, rồi tự tay ươm trồng nên những cây thuốc ngay trong khuôn viên trạm y tế để phục vụ công tác chữa bệnh cho người dân.
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Bình luận (0)