xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ba đời gắn bó nhà máy nước

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Gia đình ông Võ Dũng, thợ cơ khí bậc 5/5 Nhà máy Nước Thủ Đức (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV) có 3 thế hệ gắn bó với nhà máy.

Cha của ông Dũng, ông Võ Danh (SN 1938, đã mất) là thợ cơ khí giỏi nghề, làm việc tại Nhà máy Nước Thủ Đức ngay từ ngày đầu thành lập nên từ nhỏ, ông Dũng đã có niềm đam mê đặc biệt với máy móc.

Kể về gia đình mình, bà Nguyễn Thị Yến (SN 1938), mẹ ông Dũng, cho biết ông Danh quê ở Bình Định, bà quê ở Huế nhưng gặp và cưới nhau ở Nha Trang rồi đưa nhau về Sài Gòn sống. Không có đất, ông bà dựng một ngôi nhà nhỏ ven sông ở tạm. Ông Danh làm thợ cơ khí sửa chữa ôtô, còn bà ở nhà nuôi con.

Ba đời gắn bó nhà máy nước - Ảnh 1.

Gia đình 3 thế hệ của ông Võ Dũng gắn bó cùng ngành cấp nước TP HCM

Năm 1966, Sở Sản xuất nước sông Đồng Nai (Nhà máy Nước Thủ Đức hiện nay) được xây dựng và đưa vào hoạt động. Nghe tin nhà máy tuyển công nhân (CN), bà Yến nhờ người làm đơn xin cho chồng vào làm. Căn nhà tạm ven sông trống trước trống sau nên bầy con lít nhít 7 đứa của ông bà cứ nay đứa này lọt sông, mai đến đứa kia. Để cho các con được an toàn, ông bà xin vào ở cư xá của nhà máy. "Có thể nói, gia đình tôi là một trong những gia đình đầu tiên ở cư xá nhà máy. Lúc ấy, lau sậy mọc quá đầu, cỏ rậm rạp, người thưa thớt, đất đai mênh mông. Lương CN của chồng không đủ nuôi 9 miệng ăn trong nhà nên tranh thủ đất trống xung quanh cư xá, tôi và đàn con làm ruộng, trồng bắp, khoai, đậu… để vừa có cái ăn vừa mang ra chợ bán" - bà Yến nhớ lại.

Giai đoạn đầu, nhà máy nước hoạt động với công suất 450.000 m³/ngày, cung cấp nguồn nước sạch cho cư dân TP Sài Gòn. Nhiều ngày trước khi giải phóng Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đưa quân tới canh giữ nhà máy. Sáng 30-4-1975, một nhóm CN hoạt động bí mật ở nội thành đã treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc nhà máy đồng thời loan tin Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã vào được nhà máy khiến lính bảo an và xe tăng canh gác lập tức bỏ đi. Ông Phạm Tấn Sỹ, nguyên Giám đốc Nhà máy Nước Thủ Đức, cho biết tối 30-4-1975, đoàn quân quản đã tiếp quản Nhà máy Nước Thủ Đức. Chủ trương của cách mạng là bất kỳ giá nào cũng phải duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP.

Để giữ gìn sự an toàn của nhà máy, ông Danh đã tham gia đội tự vệ bảo vệ nhà máy. "Sau khi cách mạng vào tiếp quản nhà máy, ông nhà tôi và nhiều kỹ sư, CN được gọi lên để tiếp tục làm việc, bảo đảm hoạt động nhà máy cho đến nay" - bà Yến nhớ lại. Những ngày sau giải phóng, nhiều thiết bị, máy móc bị hư hỏng nhưng lúc này Việt Nam bị Mỹ cấm vận nên không có thiết bị thay thế. Lo lắng cho hoạt động của nhà máy, đội ngũ kỹ sư, CN nhà máy, trong đó có ông Võ Danh, tích cực sửa chữa, tìm thiết bị thay thế để bảo đảm nhà máy vận hành xuyên suốt.

Những câu chuyện kể hằng ngày của cha không chỉ truyền lửa đam mê mà còn thôi thúc ông Võ Dũng quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành một thợ cơ khí. Ông Dũng nhớ những ngày cha trực đêm ở nhà máy, ông thường theo chân cha để canh giữ, theo dõi từng hồ chứa, đường dẫn. Những ngày đầu vào nghề, cha cũng là người thầy hướng dẫn, kèm cặp ông. Tại nhà máy, ông Dũng gặp gỡ và nên duyên với vợ - bà Bùi Thị Hồng Ngọc (SN 1972), CN đội vệ sinh Nhà máy Nước Thủ Đức. "Từ lâu, tôi đã xem nhà máy như ngôi nhà thứ 2 của mình bởi nơi đây tôi được rèn luyện để trưởng thành, có công việc ổn định và một mái ấm hạnh phúc" - ông Dũng bộc bạch. Tiếp bước truyền thống gia đình, nay con trai lớn của ông Dũng là Võ Thành Long (SN 1990) trở thành lái xe của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV.

Ở Nhà máy Nước Thủ Đức, ông Võ Dũng được đồng nghiệp quý trọng bởi lòng yêu nghề, đặc biệt là đam mê sáng tạo. Với 53 năm tuổi đời và 30 năm tuổi nghề, ông Võ Dũng được xem là "lão làng" trong ngành cấp nước. Không chỉ các CN, kỹ sư trẻ trong nhà máy mà ngay cả những người thợ ở các đơn vị khác cũng đến nhờ ông hướng dẫn nâng cao tay nghề.

Do gia đình quá khó khăn nên mới học đến lớp 7, ông Dũng đã nghỉ học, đi sửa ống nước, làm mộc, làm hồ… Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1990, ông được nhận vào nhà máy làm việc với công việc là một thợ máy. Nhà máy Nước Thủ Đức sau nhiều năm sử dụng nay bắt đầu hỏng hóc, xuống cấp. Trong khi đó, những năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, nhà máy đóng vai trò cực kỳ quan trọng, cung cấp hơn 90% nước cho cả TP, vì thế nhà máy phải hoạt động 24/24 giờ. Năm 1990, nhà máy thành lập đội xung kích và ông Dũng là một trong những người đầu tiên vào đội. Năm 1997, hầm van trên đường ống dẫn nước từ trạm bơm Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) về nhà máy bị xì khiến khối lượng nước thất thoát rất lớn. Nhiều phương án được đưa ra, trong đó có dự định thuê một đầu máy xe lửa và xe cẩu vào để cẩu nắp hầm lên tìm hiểu nguyên nhân. Ông Dũng mạnh dạn đề xuất giải pháp đục một lỗ lớn trên nắp hầm rồi tiến hành rà soát chỗ xì. Nghe ông trình bày có lý, ban giám đốc đồng ý giao cho ông thực hiện và kết quả là chỗ rò của hầm sớm được giải quyết. Từ thành công ban đầu, năm nào ông Dũng cũng có các sáng kiến, cải tiến cho nhà máy. Có sáng kiến làm lợi vài chục triệu đồng, cũng có sáng kiến làm lợi cho nhà máy hàng tỉ đồng.

Có lần, một phó tổng giám đốc nói với ông Dũng: "Anh cái gì cũng giỏi, chỉ có việc học là chưa giỏi". Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định cắp sách đến trường bởi hiểu rằng người thợ giỏi không chỉ có kinh nghiệm mà còn phải biết đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Bao lần trầy trật, học rồi bỏ, bỏ xong lại học, ông cũng tốt nghiệp bổ túc THPT. Trò chuyện cùng ông, tôi để ý đến đôi bàn tay thô ráp, xù xì, các móng tay đều trắng tái. Thấy tôi ngạc nhiên, ông cười: "Làm nghề này thì phải chịu lấm bẩn vì suốt ngày tiếp xúc với máy móc, dầu nhớt và nước. Thợ trẻ ngày nay ít người chịu khó đầu tư cho nghề nghiệp, vậy sao trưởng thành được. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học".

Ông Trương Kim Tân, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Nước Thủ Đức, nhận xét: "Anh Võ Dũng là một trong những thợ cả dày dạn kinh nghiệm và có nhiều sáng kiến có giá trị cho nhà máy. Với kinh nghiệm của mình, anh đã hướng dẫn anh em thợ trẻ xử lý tốt các tình huống phát sinh trong công việc, góp phần vào việc bảo đảm hoạt động của nhà máy".

ÔNG KIỀU NGỌC VŨ, PHÓ CHỦ TỊCH LĐLĐ TP HCM:

Gia đình yêu nghề

Sự phát triển của TP HCM hôm nay có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ CN, người lao động. Ở các gia đình có nhiều thế hệ làm CN, nền tảng hạnh phúc được hun đúc từ lòng yêu nghề và tinh thần dấn thân. Vượt qua bao khó khăn, gia đình anh Võ Dũng vẫn bám trụ với nghề, biết cách giữ lửa đam mê và vun đắp mái ấm hạnh phúc. Không chỉ thế, anh Dũng còn hun đúc sự đam mê, truyền nghề cho thợ trẻ khi đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2018.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo