Chiều 5-11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan tập trung khắc phục hậu quả bão số 12 và ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại miền Trung và Tây Nguyên.
Không để người dân đói
Theo công điện, trong 3 ngày qua, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên liên tiếp có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được tại một số trạm ở Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên và tỉnh Gia Lai từ 500-600 mm, đặc biệt ở các tỉnh Quảng Nam và Bình Định trên 700 mm, gây ngập lụt các vùng trũng, thấp, ven sông suối. Lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam và khu vực Nam Tây Nguyên đang lên nhanh; trên sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) có thể xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1999; sông Thu Bồn tương đương lũ lịch sử năm 2007.
Dự báo khu vực này sẽ tiếp tục có mưa rất to trong những ngày tới, nguy cơ cao xảy ra lũ lớn và đặc biệt lớn, nhất là từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi và sạt lở đất, lũ quét tại miền núi; ngập lụt sâu trên diện rộng, chia cắt cục bộ ở các vùng thấp trũng, ven sông suối.
Để chủ động ứng phó mưa lũ, hạn chế thiệt hại và khắc phục nhanh hậu quả bão số 12, sớm ổn định đời sống nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các địa phương khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ; tập trung rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, những hộ không bảo đảm an toàn phải kiên quyết di dời, trường hợp cần thiết thì cưỡng chế di dời để bảo vệ tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân.
Song song đó, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão huy động lực lượng quân đội, công an, các lực lượng tại chỗ, các tổ chức đoàn thể khắc phục hậu quả bão số 12; tiếp tục tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn đối với người, phương tiện còn mất tích, chưa liên lạc được, nhất là những người bị nạn trên các tàu vận tải bị sự cố tại vùng biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Thủ tướng quán triệt yêu cầu các địa phương chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm và có phương án tái định cư đối với những hộ bị mất nhà cửa (nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách), không để người dân đói, không có nơi trú ngụ, đặc biệt là khu vực bị thiệt hại nặng ven biển.
Xây dựng kịch bản ứng phó
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp khẩn bàn biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống hồ chứa, đồng thời ứng phó với tình hình mưa lũ, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - nhấn mạnh sau bão số 12, chúng ta đang phải đối mặt với một hiểm họa, có thể nói là lớn nhất ở cả 4 khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đó là hiện tượng hồ, sông và vùng trũng đầy nước trên toàn khu vực.
Theo ông Cường, tốc độ nước từ thượng nguồn đổ về các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiện vẫn lớn hơn rất nhiều so với khả năng xả. "Đây là điều rất nguy hiểm và đe dọa an toàn hồ đập toàn tuyến. Nhiều lưu vực sông đã vượt quá sức chịu đựng, ẩn chứa thảm họa" - ông Cường nhận định.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị công tác quản lý, giám sát, điều hành, vận hành của các hồ chứa; quy trình liên hồ chứa, công tác chỉ huy ở ban chỉ huy các địa phương phải "quyết liệt hơn, tích cực hơn, cụ thể hơn". Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương phải liên tục cập nhật số liệu, đưa ra các dự báo cố gắng sát hơn, nhất là trong phạm vi hẹp. Ban chỉ huy các địa phương căn cứ bản tin dự báo, văn bản chỉ đạo của trung ương, cần biên tập lại để có nội dung tuyên truyền cụ thể cho dân dễ hiểu và đạt hiệu quả cao trong ứng phó để giảm thiệt hại. Các cơ quan quản lý, chủ hồ phải liên tục cập nhật số liệu quan trắc để báo cáo về trung ương, địa phương nhằm có giải pháp ứng phó phù hợp trong chỉ đạo. Tuân thủ nghiêm các quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong vận hành chứ không phải ứng phó một cách máy móc, để làm sao vừa bảo vệ được công trình nhưng bảo đảm an toàn tối ưu nhất cho hạ du.
"Ban chỉ huy các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng các kịch bản cụ thể, kể cả kịch bản xấu nhất, cực đoan nhất từng lưu vực, từng địa bàn cụ thể. Giả sử nếu tiếp tục mưa rất to, buộc phải xả nước hồ chứa nữa để bảo đảm an toàn hồ đập thì hạ du sẽ như thế nào? Phải lên kịch bản như vậy để huy động tổng lực xây dựng kế hoạch ứng phó" - ông Cường lưu ý.
Nỗ lực tìm kiếm tàu, thuyền viên mất tích
Chiều 5-11, 10 tàu cứu nạn, cứu hộ cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vẫn tiếp tục quần thảo trên khu vực biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để tìm kiếm các tàu hàng bị chìm và thuyền viên mất tích trong cơn bão số 12. Do trời mưa to, gió lớn nên công tác cứu hộ và cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, thời điểm xảy ra bão số 12 có 104 tàu hàng neo đậu ở các khu vực cảng Quy Nhơn và tại phao số 0 của cảng này. Sức mạnh khủng khiếp của bão số 12 đã làm 9 tàu hàng bị chìm, 1 tàu hàng mắc cạn và hư hỏng. Hiện tại, thi thể 3 thuyền viên bị nạn đang được bảo quản tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Các thuyền viên bị thương được các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chữa trị, chăm sóc chu đáo. Riêng 24 thuyền viên mất tích, lực lượng cứu hộ đang ra sức tìm kiếm nhưng dự báo khả năng sống sót rất thấp.
Cùng ngày, tại cuộc họp triển khai công tác khắc phục mưa bão, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã chỉ đạo Công an tỉnh Bình Định làm rõ lý do vì sao đã được thông báo bão nhưng các tàu hàng không vào khu vực cảng Quy Nhơn neo đậu mà phải neo ở phao số 0, dẫn đến thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ngoài ra, ông Dũng cũng yêu cầu các ngành chức năng địa phương khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên bị mất tích; triển khai biện pháp xử lý sự cố tràn dầu; không để xảy ra tình trạng người dân lợi dụng sự cố tàu mắc cạn để hôi của...
A.TÚ
Bình luận (0)