xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chính phủ xác định 3 trọng tâm khôi phục, phát triển kinh tế

MINH CHIẾN

Năm 2022, Chính phủ tập trung thực hiện 3 trọng tâm: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hạ tầng

Ngày 5-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để tổng kết công tác năm 2021; triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022.

Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến của dịch

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp thế giới phải chống đỡ, vật lộn với dịch Covid-19. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa phục hồi, phát triển KT-XH, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trong lần thứ 5 liên tiếp dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị đã cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trên các lĩnh vực. Kết quả tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,58%, thu ngân sách tăng 16,4%, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục 668,5 tỉ USD.

"Đến nay, có thể khẳng định chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vắc-xin "đi sau về trước" với đợt tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận việc phát triển văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, an ninh quốc phòng được củng cố và tăng cường. Đặc biệt, hoạt động đối ngoại qua các chuyến thăm, làm việc tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ của lãnh đạo cấp cao đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế như: tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn mục tiêu đề ra; hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ còn nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp (DN) phải dừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản. Công tác phòng chống dịch có lúc có nơi còn lúng túng, an sinh xã hội còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Về một số vấn đề mang tính định hướng cho năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trước hết phải theo dõi sát sao, nắm chắc diễn biến dịch Covid-19 trong nước và thế giới, đặc biệt là nguy cơ biến chủng mới cùng biện pháp ứng phó phù hợp. Trong đó, tập trung ưu tiên thực hiện Chương trình tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 đã được ban hành để sớm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, ngành ngay từ đầu năm 2022.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc-xin, nhanh chóng bao phủ 2 mũi, bảo đảm đủ vắc-xin, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng chống dịch, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

"Thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, bảo đảm kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số và ứng phó với biến đổi khí hậu" - Tổng Bí thư chỉ đạo và lưu ý đến việc quan tâm phát triển văn hóa hài hòa, ngang tầm với phát triển KT-XH; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng mà xã hội quan tâm.

Đầu tư mạnh cho hạ tầng

Về kế hoạch năm 2022 của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19 và chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6%-6,5%.

Chính phủ xác định 3 trọng tâm trong năm nay gồm khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Cùng với đó, Chính phủ ưu tiên khôi phục, ổn định thị trường lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 còn khó lường, Chính phủ đề ra 12 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, tương ứng với 180 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó có thể kể đến các nhiệm vụ giải pháp chính như: Đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho trẻ em; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, những dự án hạ tầng trọng điểm có tính kết nối vùng, liên vùng sẽ được đẩy nhanh trong năm nay, như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông; dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Trong năm 2022, Chính phủ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh với mục tiêu tổng quát là nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã thảo luận, đưa ra các đề xuất, kiến nghị để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, phục hồi, phát triển KT-XH. Các đại biểu đề xuất tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật; tháo gỡ, khơi thông các "điểm nghẽn" trong đầu tư; đẩy mạnh đầu tư công, nhất là đối với các dự án hạ tầng chiến lược. Hội nghị cũng đề cập việc cần có chính sách hỗ trợ, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH.

Chính phủ xác định 3 trọng tâm khôi phục, phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại hội nghịẢnh: Nhật Bắc

Chính phủ xác định 3 trọng tâm khôi phục, phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị Ảnh: Nhật Bắc

Phải hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin

Kết luận hội nghị sau một ngày làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương sẽ được Chính phủ tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, báo cáo, dự thảo Nghị quyết để ban hành và thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm 2022.

Theo Thủ tướng, 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Với ý nghĩa đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin. Xây dựng kế hoạch nhập khẩu, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt nguy cơ từ biến chủng mới Omicron. Thủ tướng lưu ý trước mắt không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào Tết Nguyên đán.

Với điểm sáng trong xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2022 và giai đoạn tới cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Thủ tướng cho biết sẽ chuyển đổi nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt nông sản xuất khẩu, phấn đấu đạt 50 tỉ USD xuất khẩu nông sản.

"Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản phù hợp lợi thế từng vùng, địa phương, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường trong nước" - Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đến việc phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước. Về đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ để từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cần ưu tiên các dự án công nghệ cao, mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa và kết nối với khu vực kinh tế trong nước. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; triển khai các giải pháp phục hồi thị trường lao động. Trước mắt, thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện để mọi người dân đều có Tết an lành. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng kết quả phát triển KT-XH năm 2022 sẽ cao hơn năm 2021.

Trục lợi trong dịch bệnh làm xói mòn lòng tin

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành trong việc chưa kịp thời và chưa đủ thời gian điều chỉnh các quy định của pháp luật cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh, các chế độ chính sách cho những người tham gia phòng chống dịch cũng chưa phù hợp.

Theo Bộ trưởng, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành. "Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng nhưng không là hình ảnh đại diện của ngành, không thể làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày, cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y - bác sĩ, các cán bộ, nhân viên ngành y tế trong cuộc chiến với dịch Covid-19" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi:

Bổ sung thêm ngân sách vào các gói hỗ trợ

Năm 2022, TP HCM xác định 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Triển khai chiến lược tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với thực tiễn của địa phương; triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế, tập trung hỗ trợ DN; nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn để hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn; tập trung nguồn lực triển khai các dự án giao thông quan trọng như các dự án đường sắt đô thị, đường Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài.

Tương ứng với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trên, TP HCM kiến nghị Chính phủ sớm cho phép sản xuất và lưu hành rộng rãi thuốc kháng virus; cho phép bổ sung thêm bằng ngân sách của địa phương vào các gói hỗ trợ phù hợp với tình hình trên địa bàn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch...; hướng dẫn chọn hình thức đầu tư khả thi và ưu tiên vốn để sớm triển khai dự án hạ tầng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh:

Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương về phân cấp, phân quyền và đạt được những kết quả quan trọng. TP Hà Nội cũng đã bám sát và triển khai hiệu quả chủ trương này, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Chúng tôi áp dụng phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện trong chống dịch, áp dụng trong giải ngân đầu tư công, cho thấy hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; chuyển đổi đất lúa, đất rừng; cấp phép khu công nghiệp; tách dự án giải phóng mặt bằng khỏi các dự án khác, đi kèm với đó là cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường, kiểm tra giám sát.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng:

Tháo gỡ khó khăn trong thu hồi tài sản

TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, đầu tư dự án, thu hồi tài sản đã được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Việc thu hồi tài sản trong các kết luận thanh tra, kiểm toán là quan trọng. Tuy nhiên, việc này không chỉ nhằm thu hồi tài sản thất thoát mà còn phải đưa nguồn lực đất đai, tài sản nhà nước, DN vào phục vụ phát triển KT-XH, tránh lãng phí. Chúng tôi đề xuất Chính phủ xem xét ban hành hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách mới, tạo động lực cho phát triển để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo