Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) hiện có hơn 40 dự án, trong đó 26 dự án đã hoạt động hoặc đang xây dựng với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.680 ha. Thời gian qua, nơi đây xảy ra tình trạng một số dự án rào chắn đường dân sinh xuống biển của người dân.
Biển không phải của chủ đầu tư
Ngày 28-3, theo phản ánh của người dân, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại khu vực đường dẫn xuống biển sát dự án khu du lịch The Anam do Công ty TNHH MTV Biển Đông Bãi Dài làm chủ đầu tư. Tại tuyến đường xuống biển, chủ đầu tư có trồng thêm cây xanh, thảm cỏ nhưng ở cuối đường lại dùng tôn vây kín, chỉ để lại 2 ô nhỏ.
Dự án Khu du lịch The Anam bít đường xuống biển của người dân
Một bảo vệ ở đây nói: "Trước đây người dân vẫn xuống biển chủ yếu để kéo lưới đánh cá, số ít thì đi tắm biển. Chủ đầu tư đang làm một bến du thuyền ở đây nên rào đường này lại, không cho người dân xuống nữa". Còn ông Lê Tứ (ngụ thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) phản ánh: "Người dân trước đây vẫn đánh cá ven bờ nhưng từ khi bị bít đường không còn ai ra vào. Dân có phản ánh lên xã thì họ trổ cho 2 cái ô, mỗi lần đi qua lại có bảo vệ đứng đó nên ít ai đến".
Tại khu vực dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Duyên Hà do Công ty TNHH Duyên Hà làm chủ đầu tư, 2 bên dự án này đều có đường dân sinh dẫn xuống biển. Thế nhưng, một con đường vẫn còn để chốt bảo vệ; một con đường ở khu vực giáp biển được chủ đầu tư trồng cây kín và cử bảo vệ đứng chốt. Ông Nguyễn Trọng Khương, Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông, khẳng định việc tự ý lập chốt chặn như vậy là không đúng. Xã đã báo cáo với UBND huyện Cam Lâm, huyện cũng đã yêu cầu chủ đầu từ tháo dỡ, không được ngăn chặn việc đi lại và tắm biển của người dân. Ông Khương còn nói mấy tháng trước, một số dự án khu du lịch khác cũng làm như vậy, xã đã kiểm tra, yêu cầu chấn chỉnh.
Theo ông Khương, chủ đầu tư resort thường hạn chế người dân đi lại vì sợ ảnh hưởng đến du khách của mình. "Biển ở đây thuộc quản lý nhà nước chứ không giao cho chủ đầu tư. Các trục đường đi xuống biển là khu vực công cộng dành cho người dân tắm biển. Xã vẫn đang theo dõi, quản lý để tránh xảy ra tình trạng tương tự" - ông Khương quả quyết.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Ban Quản lý Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (TP Cam Ranh) tiếp tục theo dõi việc chấp hành của các doanh nghiệp tại khu du lịch này để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng, người dân.
Cấm giăng dây, cắm cờ chiếm bãi
Gần đây, bờ biển Nha Trang đang bị thu hẹp cảnh quan bởi các dự án chắn biển. Tại khu vực biển Bãi Tiên (phường Vĩnh Hòa) trước đây có bãi tắm rất đẹp. Gần đó có một hòn núi đá đen nhô ra biển, dưới chân là rạn đá đen, đá san hô. Tuy nhiên, khu vực này đã giao cho dự án khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa. Riêng hòn núi đá đen bị dự án đầu tư khu dịch vụ du lịch và thể thao Hồ Tiên (Amiana) ôm trọn, có bảo vệ gác chắn. Tiếp nối 2 dự án này là dãy nhà hàng, kế đó nữa là dự án bến du thuyền Marina cũng chắn luôn khu vực biển Bắc Nha Trang.
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nói khi ông còn đương chức, dải ven biển Bãi Tiên được xác định là công viên, sau này cấp cho các dự án, quán xá nên che hết tầm nhìn, lấn biển làm mất cảnh quan. "Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định nêu rõ vịnh Nha Trang là danh thắng, dự án phải cách mép nước bình quân 20 m. Cứ chấp hành nghiêm lệnh của Chính phủ thì mới giữ được cảnh quan ven biển" - ông Chi nói.
Để chấn chỉnh lại tình trạng lợi dụng giao đất làm dự án nhưng xâm hại đến bờ biển, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và cộng đồng, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, nói TP đang trình UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, thông qua quy hoạch các khu vực hoạt động thể thao, vui chơi trên biển và quy định về lắp đặt dù che trên bãi biển Nha Trang. "Quy hoạch này ưu tiên dành diện tích cho cộng đồng, người dân và du khách vui chơi, tắm biển Nha Trang" - ông Khánh nhấn mạnh.
Theo quy hoạch trên, toàn bộ khu vực bãi biển từ trước UBND tỉnh Khánh Hòa (số 1 Trần Phú) đến khu khách sạn Anna Mandara, sẽ được sắp xếp lại. Số dù được phép đặt tối đa đối với khách sạn 5 sao là 15 dù và 30 ghế nằm, khách sạn 4 sao là 12 dù và 24 ghế. Những khách sạn còn lại được cho bố trí dù, ghế nằm tập trung theo hai khu vực tại bãi biển Hòn Chồng ở phía Bắc và bãi biển sân bóng Thanh Niên tại phường Vĩnh Nguyên.
Đặc biệt, các khách sạn tuyệt đối không được giăng dây, cắm cờ "cát cứ" bãi biển. Sau quy hoạch, số diện tích đặt dù, ghế chỉ chiếm khoảng 10% diện tích bãi biển, diện tích dành cho cộng đồng sẽ tăng thêm khoảng 20.000 m2 so với hiện nay.
Điều chỉnh quy hoạch đường ven biển
Trả lời chất vấn đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp về các dự án ven biển Nha Trang vào chiều 27-3, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận trong quá trình quy hoạch công viên đường Trần Phú (đường ven biển) có nhiều vấn đề như khu bãi tắm Bốn Mùa, khu công viên Phù Đổng (các dự án ngầm, xây dựng công trình chắn biển - PV) thì tỉnh đã có những điều chỉnh đồ án quy hoạch cho phù hợp, không để xảy ra tình trạng xây dựng lấn chiếm trái phép, ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian bãi biển. Các điều chỉnh này nhằm bảo đảm những khu vực công cộng, công viên bờ biển gắn với cây xanh, cảnh quan, tạo không gian tốt cho đường Trần Phú.
"UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng quy hoạch lại phía Đông đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Với thực tế hiện nay, tỉnh yêu cầu trong quá trình rà soát, đối với các dự án phải xem xét về mật độ xây dựng, chiều cao công trình nhằm bảo đảm tổng thể chung cho cảnh quan. Đồ án này trong tháng 4 sẽ báo cáo UBND tỉnh" - ông Vinh thông tin.
Bình luận (0)