Chỉ xuất phát từ cáo buộc của một người tiêu dùng nhất mực cho rằng Con Cưng bán hàng giả xuất xứ Thái Lan vì trên nhãn ghi xuất xứ Thái nhưng sản phẩm lại có dấu hiệu đã bị cắt đổi mác khác, thương hiệu này lập tức bị cư dân mạng xã hội "khép tội" dù chưa có bất cứ một kết luận khả tín nào. Cơ quan QLTT rầm rộ vào cuộc kiểm tra đồng loạt và trong lúc hoạt động kiểm tra chưa kết thúc thì ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT, đã nhanh nhảu kết luận Con Cưng mắc vi phạm bán hàng không có hóa đơn chứng từ, tức hàng nhập lậu. Phát ngôn này đã đẩy Con Cưng vào tình huống khủng hoảng nghiêm trọng và để lại những hậu quả nặng nề đối với doanh nghiệp (DN).
DN tuy có sai sót nhưng không sai phạm. Không những thế, theo kết luận của Bộ Công Thương, kết quả kiểm tra 192 siêu thị còn cho thấy hàng hóa tại Con Cưng bảo đảm về nguồn gốc và chất lượng. Như vậy, lẽ ra họ xứng đáng được tin tưởng vì làm ăn bài bản thì thực tế ngược lại: những thiệt hại mà Con Cưng phải gánh chịu đến bây giờ không thể đong đếm hết. Người đứng đầu Bộ Công Thương - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã kịp thời có những chỉ đạo quyết liệt với đoàn kiểm tra, bảo đảm công tâm, khách quan và minh bạch.
Xử phạt nghiêm khắc gian lận thương mại đồng thời tạo điều kiện cho DN chân chính phát triển, đó là quan điểm hợp lý, công bằng của Bộ Công Thương, thể hiện khá rõ qua vụ Con Cưng. Nhưng song song đó, Bộ Công Thương phải xem xét trách nhiệm của mỗi cán bộ trong lực lượng QLTT. Từng lời trong phát ngôn của quan chức QLTT ảnh hưởng đến sự tồn vong của DN, vì thế phải hết sức cẩn trọng. Thêm nữa, QLTT không chỉ bắt bớ, xử phạt hàng hóa gian lận thương mại mà còn phải bảo vệ những DN tử tế, những DN tư nhân có tiềm năng phát triển. Ngay cả trong trường hợp DN có thiếu sót khi vận hành, sai sót trong quản trị thì việc kiểm tra, xử phạt và thông tin ra công chúng cũng phải trên tinh thần xây dựng, giúp DN nhìn ra những điểm chưa đúng để DN hoàn thiện quản trị và phát triển chứ không phải đẩy DN vào thế điêu đứng, khốn cùng.
Trong bối cảnh hoạt động thương mại cạnh tranh ngày càng gay gắt, không chỉ giữa các DN trong nước mà còn giữa DN nội địa với nước ngoài, bên cạnh việc "kìm cương" để DN Việt Nam đi đúng quỹ đạo, các ngành chức năng phải luôn ý thức cao về việc tháo gỡ vướng mắc, giúp DN vượt lên khó khăn, tăng sức cạnh tranh. Đó cũng là tinh thần chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt và xuyên suốt của Chính phủ. Vụ Con Cưng một lần nữa nhắc nhở các cơ quan hữu trách về thực hiện nhiệm vụ kể trên.
DN - đặc biệt là DN vừa và nhỏ - là xương sống của nền kinh tế nước nhà. Xương sống lành lặn, cứng cáp thì "cơ thể kinh tế" mới mạnh mẽ, vững vàng.
Bình luận (0)