Ngày 19-12, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại hội nghị, ngoài đánh giá hoạt động của ban trong năm qua, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi vấn đề dừng hoạt động của ban và đề xuất phương hướng phát triển Tây Nguyên khi không còn ban này.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, năm 2017, mặc dù vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của các ngành, địa phương đã tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Tại hội nghị, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - khẳng định hơn 15 năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; phát huy vai trò tham mưu đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề nóng, đề xuất cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã hoàn thành xuất sắc vai trò "sứ mệnh lịch sử" quan trọng của mình. Việc kết thúc hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nằm trong chủ trương chung của Đảng, nhà nước về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Thượng tướng Tô Lâm trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên cho các cá nhân
"Tôi đề nghị các cơ quan chức năng của Đảng, Chính phủ quan tâm phối hợp, tham mưu đề xuất và sớm có phương án giải quyết những vấn đề về công tác tổ chức cán bộ và việc chuyển giao các mặt công tác về địa phương hoặc ban, bộ, ngành trung ương" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Đại tướng Lê Hồng Anh - nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - bày tỏ: "Việc Ban Chỉ đạo Tây Nguyên dừng hoạt động cũng có chút buồn nhưng chúng ta phải thấy niềm vui lớn hơn vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giờ không còn Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhưng các đồng chí phải tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách ở vùng này".
Những vấn đề mà Đại tướng Lê Hồng Anh gợi mở cần tập trung giải quyết như: đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo; quan tâm giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, trong đó chủ yếu là đất đai… Bên cạnh đó, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, cán bộ phải sát dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của dân, cùng giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Đăng ký nguyện vọng công tác
Theo một cán bộ Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, toàn ban có 56 cán bộ, công chức. Có ý kiến cho rằng ban giải thể do hoạt động kém hiệu quả nhưng thực tế, ban đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, được trung ương đánh giá cao, hoàn thành nhiệm vụ nên giờ đã đến lúc dừng hoạt động.
"Lúc đầu, một số cán bộ trẻ cũng có chút lo lắng nhưng hiện nay, toàn bộ cán bộ đang được đăng ký nguyện vọng công tác. Sau đó, trung ương sẽ làm việc và đưa ra quyết định điều chuyển công tác. Tôi có nhiều năm gắn bó ở đây nên đăng ký tiếp tục công tác tại địa phương" - một vị cán bộ bộc bạch.
Bình luận (0)