Bản Chùa là bản làng duy nhất của người đồng bào Vân Kiều nằm ở vùng trung du, nay thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Nơi đây từng đi vào lịch sử với những suối La La, đồi Không Tên, đồi Fu-lơ… vừa mộng mơ vừa khốc liệt.
Già làng Hồ Văn Van là người duy nhất ở Bản Chùa biết thổi sáo truyền thống
Ở rừng nhưng lại nhớ rừng
Từ trung tâm xã Cam Tuyền, tôi nhắm theo hướng đồi Fu-lơ (hay còn gọi là điểm cao 544) mà đi.
Tròm trèm chục cây số, hết đường nhựa đến đường đất gập ghềnh, Bản Chùa mới hiện ra. Đây là bản làng hiếm hoi nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng - nơi 100 nóc nhà với tổng cộng 368 người đồng bào Vân Kiều sinh sống.
Ngày trước, ở Bản Chùa rừng núi mênh mông. Hươu, nai, lợn rừng dạn đến nỗi tìm đến con suối đầu làng để uống nước, vui đùa. Bản nay lọt thỏm giữa cơ man đồi keo, xanh mướt, chỉ đến kỳ khai thác thì núi đồi lại hóa trọc trơ. Rừng tự nhiên nay manh mún, chỉ còn ở những khu rừng cấm chôn người chết. Chồn, hươu, nai đã mất bóng từ lâu. Ở rừng nhưng nhiều người bảo nhớ rừng là vậy.
Người dân Bản Chùa nay không làm nương rẫy như xưa. Đã xa rồi cái thời mỗi nhà ôm một ngọn đồi sinh sống, bốn mùa phát, đốt, cuốc, trỉa. Ở đây, ngoài trồng keo, nay bà con chỉ canh tác ruộng nước và ruộng cạn. Ruộng nước thì gieo lúa, cấy nếp; ruộng cạn thì phủ xanh bằng lạc, bắp, sắn.
Mùa hè, gió Lào vượt qua các dãy núi cao tràn xuống Bản Chùa. Gió quật như bão, giật bay cả nóc nhà và bỏng rát như quạt lửa vào mặt. Đất đai vì thế khô cằn, cây cối tong teo, lụi dần vì thiếu nước. Mùa giáp hạt cứ thế kéo dài khiến cuộc sống người dân không khá lên được.
Ông Hồ Văn Van (66 tuổi, già làng Bản Chùa), kể hồi chiến tranh Bản Chùa là túi đựng bom đạn của Mỹ. Sau chiến tranh, xác máy bay, vỏ bom, đạn ngổn ngang, còn nhiều hơn cả củ khoai, củ sắn ngoài đồng. Đến nỗi, người dân nhặt cả vỏ đạn, bom về kê giường hay áp vào cột nhà sàn để gia cố.
"Khi Hiệp định Genève được ký kết, chia đôi nước ta thành 2 miền Nam - Bắc và lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến, dân Bản Chùa rời làng, kéo nhau sang phía Bắc. Họ đi theo cách mạng. Mãi đến năm 1972, khi hòa bình lập lại, dân làng trở về và sinh sống cho đến hôm nay" - ông Van bồi hồi nhớ lại.
Anh Hồ Văn Mường (35 tuổi, Trưởng thôn Bản Chùa) cho hay bản có 100 hộ dân nhưng có đến 50 hộ nghèo và 38 hộ cận nghèo. Người dân trong thôn chủ yếu làm nông, rảnh rỗi thì đi bốc vác, chặt keo thuê. Làm quần quật cả ngày nên tối về nhiều người tìm đến bia, rượu để "chống mỏi".
"Uống nhiều thành quen. Lúc nông nhàn nhiều người suốt ngày chìm trong cơn say. Vì thế, cái học của con em trong thôn ít được quan tâm. Đến nay, số người học cao đẳng, đại học và tốt nghiệp trung học phổ thông ở Bản Chùa chỉ đếm trên đầu ngón tay" - anh Mường cám cảnh.
Nhiều thứ dần mai một
Đến Bản Chùa hôm nay, tìm mỏi mắt cũng không thấy ngôi nhà sàn truyền thống nào được dựng mới.
Bây giờ, đa phần bà con làm nhà xây, đổ mái bằng theo kiểu người Kinh. Số ít xây dựng nhà ở cách điệu theo kiểu nhà sàn. Ở đây, chăn nuôi gia súc vẫn giữ theo lối thả rông trên rừng, đến mùa mưa rét lại được lùa về nhốt chuồng hoặc chăn giữ. Cũng phải mất nhiều thời gian, công sức họ mới tìm thấy và đưa được gia súc về nhà.
Ngôi nhà sàn truyền thống hiếm hoi còn sót lại ở Bản Chùa
Hôm tôi đến Bản Chùa, cũng là lúc ông Van vừa tỉnh cơn say. Ông tỏ vẻ buồn và đối đáp nhát gừng vì khách chối từ lời mời uống rượu giữa trưa. May thay, khi nhắc đến bản sắc văn hóa của cha ông ngày trước, ông như hồi tỉnh. Chuyện trò cởi mở hơn. Bên ly nước chè sánh đậm, ông bồi hồi kể về những ký ức đẹp mà ngày nay ở Bản Chùa đã hoàn toàn biến mất.
"Hồi đó, cứ những đêm trăng sáng là gái trai trong bản rủ nhau đến những căn chòi nằm riêng biệt trên rẫy để tâm tình, đối đáp giao duyên. Ấy gọi là đi sim. Suốt đêm, con trai thổi khèn, sáo hoặc gảy đàn ta lư. Thiếu nữ hát các bài dân ca Vân Kiều như Xà oát, Tà oải, Cha chập. Đêm đại ngàn ngân vang, rổn rảng trong tiếng đàn ca. Biết bao đêm đi sim độc đáo, mộc mạc như thế, đôi lứa mới nên duyên vợ chồng" - ông Van bắt đầu câu chuyện bằng kỷ niệm đẹp mấy chục năm về trước. Lúc đó, vợ chồng ông tuổi vừa cập kê.
Rồi giọng ông chùng xuống: "Thanh niên Bản Chùa nay không còn biết những làn điệu dân ca, không biết thổi khèn, thổi sáo hay chơi đàn ta lư nữa. Hỏi chúng sao không học nét văn hóa đẹp của dân tộc mình thì chúng bảo thôi đi ông ơi, học ba cái đó làm chi, làm vài bài "kẹo kéo" cho khỏe. Tôi nghe mà buồn lắm!".
Ông Van khẳng định không những cồng chiêng mà ngay cả khèn, sáo, đàn ta lư và các làn điệu dân ca chính là một trong những yếu tố quan trọng làm nên bản sắc của người Vân Kiều. Thế nhưng, ở Bản Chùa nay những thứ đó đã mai một dần, hiếm người chú tâm lưu giữ nét bản sắc văn hóa độc đáo này.
Anh Hồ Văn Mường cũng xen vào câu chuyện bằng sự việc oái ăm. Đó là năm ngoái, 6 dòng tộc ở Bản Chùa tổ chức lễ cúng chung sau gần 15 năm ngắt quãng. Dân làng mổ cả bò và tập trung tại khu rừng cấm để xin thần linh che chở, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. "Theo phong tục, lễ cúng làng nhất định phải có trống và cồng chiêng. Éo le là cả bản có mỗi chiếc trống truyền thống nhưng đã tặng cho người miền xuôi. Vì thế, tôi phải chạy đi mượn trống của người Kinh mang về để dân làng làm lễ cúng" - anh Mường chua xót.
Không những nhạc cụ dân tộc và các điệu dân ca chìm vào quên lãng mà các công đoạn đan lát vật dụng truyền thống như a-đư, a-chói, pa điền, tà vinh... ở Bản Chùa ít ai còn nhớ. Ngay cả trang phục thổ cẩm truyền thống nay cũng hiếm người mặc. "Mây nứa ở bản rất hiếm, nghề đan lát cũng đã thất truyền từ lâu nên không ai còn biết nữa đâu. Bây giờ, cần vật dụng hay quần áo truyền thống gì thì bà con cứ tìm đến các bản làng miền núi để đặt mua thôi" - anh Mường bộc bạch.
Ngày nay, ở Bản Chùa rất ít người còn lưu giữ và mặc trang phục thổ cẩm truyền thống
Ám ảnh hủ tục nối dây
Nhiều hủ tục tồn tại trong đời sống người dân Bản Chùa như cúng ma rừng, thách cưới, đẻ chòi… cũng dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, có một hủ tục mà đến nay nhiều người vẫn né tránh mỗi khi nhắc đến, đó là nối dây. Chính tục lệ này đã trói buộc, làm héo hon bao thân phận phụ nữ ở Bản Chùa.
Nối dây là hủ tục, bởi đi ngược luân lý và sinh nhiều hệ lụy. Hiểu nôm na là việc phụ nữ nếu chẳng may mất chồng thì phải về ở với nhà chồng. Họ có thể được sắp đặt làm vợ cho anh hoặc em của chồng, ngay cả khi người đàn ông đó đang có gia đình.
Ở Bản Chùa, nhân chứng sống ít nhiều có liên quan đến hủ tục này phải kể đến là bà H.Th.L, H.Th.Nh… nay đã ngoài 70, 80 tuổi. Việc nối dây của họ nhiều người cho rằng do ngày xưa lạc hậu. Thế nhưng, có trường hợp chỉ mới tuổi "8X" vẫn bị trói chặt bởi hủ tục này.
Đơn cử như chị H.T. B (38 tuổi, ngụ Bản Chùa). Hơn 10 năm trước, chồng không may qua đời khi chị vừa sinh con đầu lòng. Chồng mất, chị ở với em trai chồng và sinh thêm 3 người con. Cách đây vài năm, họ đã đăng ký kết hôn. Cuộc sống bây giờ chìm trong khó khăn, vất vả và chịu lời dị nghị của dân làng.
Ông Nguyễn Anh Tuân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền - thừa nhận hủ tục nối dây có thời gian tồn tại ở Bản Chùa. Chính quyền địa phương và các ban, ngành tốn rất nhiều công sức để đẩy lùi hủ tục này. Theo ông, ngày trước muốn lấy được vợ, nhà trai phải bỏ của cho nhà gái theo yêu cầu. Có nhà thì xuề xòa lấy lệ nhưng có nhà thách cưới cả trâu, bò, heo và bạc cũ Đông Dương. Nhiều đôi lứa vì tục lệ này mà không đến được với nhau.
"Trong quá trình chung sống, nếu người chồng chẳng may qua đời thì người vợ phải trả lại của hồi môn cho nhà chồng. Nếu không trả được thì phải nối dây với một người trong gia đình. Thân phận người phụ nữ thiểu số bởi vậy rất hẩm hiu, thiệt thòi. Thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương không ngừng nỗ lực tuyên truyền, vận động để đẩy lùi hủ tục đầy ám ảnh này" - ông Tuân khẳng định.
Chẳng ai biết thổi sáo nữa...
Lúc chia tay, ông Van với tay lấy cây sáo truyền thống, có ý tiễn khách bằng vài làn điệu. Nhưng rồi ý định ấy đành bỏ dở vì cơn ho bất chợt kéo đến. Ông thều thào: "Tôi già rồi, không thổi sáo được nữa. Mai này, ở Bản Chùa chẳng ai biết thổi nữa đâu". Chợt ông lặng thinh, buông ánh mắt đục ngầu về phía núi xa.
Hình như ông đang nhớ về những đêm trăng, những cuộc đi sim, gái trai chung chiêng bên điệu Xà nớt ngân vang giữa đại ngàn: "Từ thuở núi rừng còn hoang vu chưa có bóng người/ Tôi chưa gặp được em/ Bây giờ gặp được em rồi/ Tôi thấy yêu em/ Muốn cưới em về làm vợ/ Sau này sướng khổ có nhau".
Bình luận (0)