Cuộc "đại phẫu" 12 dự án của ngành công thương đã thu được những kết quả bước đầu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết đến nay, trong số 6 nhà máy từng sản xuất - kinh doanh, 2 nhà máy đã bước đầu có lãi là Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và dự án Nhà máy Thép Việt - Trung.
Trên đà giảm lỗ
Bốn dự án còn lại vẫn trong quá trình ổn định và giảm dần mức độ thua lỗ. Năm 2018, Nhà máy Đạm Hà Bắc giảm lỗ hơn 266 tỉ đồng, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai giảm lỗ hơn 288 tỉ đồng, Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 10 tỉ đồng...
Với các dự án khác, ngày 29-3, lãnh đạo Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF, đơn vị quản lý Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất) cho biết BSR-BF đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Tocontap về việc gia công sản phẩm cho nhà máy. Trong hợp đồng, BSR-BF là đơn vị nhận gia công sản phẩm chính là ethanol từ nguyên liệu (sắn) do Tocontap cung cấp. Tocontap sẽ chịu trách nhiệm nguồn nguyên liệu, tổ chức phân phối ethanol thành phẩm.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 “đắp chiếu” dù đã rót hàng ngàn tỉ đồng Ảnh: MINH CHIẾN
"Nhà máy đã hoạt động lại một thời gian nhưng đang tạm dừng để tiếp tục bảo dưỡng. Dự kiến nhà máy sẽ chạy lại trong nay mai" - ông Phạm Văn Vượng, Giám đốc BSR-BF, khẳng định.
Dự kiến khi tái khởi động, nhà máy này sẽ đạt 65% công suất, sản xuất khoảng 2.000 tấn sản phẩm; sau đó được kiểm tra máy móc và nâng công suất. "Quan điểm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là chạy lại nhà máy, sau đó nghiệm thu, quyết toán công trình và phương án tiếp theo mới tính tới thoái vốn" - đại diện BSR-BF cho biết.
Ngoài ra, Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ với 10 dây chuyền, sản lượng đạt 3.368 tấn sợi các loại đã hoạt động trở lại. Ông Trần Quốc Khánh cho hay dự án đang chuẩn bị để nâng quy mô vận hành từ 15-18 dây chuyền vào quý II/2019.
Tại Thái Nguyên, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép đang "đắp chiếu" dù số tiền rót vào đã lên 4.500 tỉ đồng. Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, nhiều hạng mục của dự án thi công dang dở, cỏ dại mọc um tùm. Thiết bị, máy móc nằm phơi nắng mưa, được che chắn sơ sài bằng những tấm bạt. Dự án đang rơi vào bế tắc khi những vướng mắc với nhà thầu EPC phía Trung Quốc chưa được giải quyết.
Nhà máy Đạm Ninh Bình, một trong 4 dự án thua lỗ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), đang từng bước giảm lỗ nhưng lại rơi vào thế khó khi thiếu vốn để sản xuất. Theo Chủ tịch Vinachem Nguyễn Phú Cường, nhà máy hoạt động dựa vào tiền ứng của khách hàng nên rất bị động, nếu kéo dài có thể "kéo sập" cả Vinachem.
Bên cạnh đó, những khó khăn về tài chính, tái cơ cấu các khoản vay cũng đang bủa vây Nhà máy Đạm Đạm Hà Bắc với chi phí tài chính phải trả hằng năm khoảng 820 tỉ đồng và dự kiến sẽ tăng lên 870 tỉ đồng trong năm 2019.
Không nên kéo dài
GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng việc cơ quan chức năng cố gắng "ôm" các dự án để xử lý là đi vào con đường cụt.
"Nhà nước muốn khắc phục, muốn tái cơ cấu để các dự án "đắp chiếu" đi vào hoạt động bằng các chính sách, hỗ trợ nhưng sẽ không hiệu quả" - ông Võ Đại Lược nói. Ông Lược nhấn mạnh các dự án bị "sa lầy" quá nặng, những con số báo cáo giảm lỗ của các bộ - ngành chỉ mới là bề nổi, trong khi cơ quan nhà nước chưa đề ra được phương hướng nào cụ thể để vực dậy.
Muốn giải quyết dứt điểm các dự án thua lỗ, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược đề xuất nhà nước mạnh dạn bán các dự án cho tư nhân. Giá bán phải được thẩm định phù hợp với thị trường, thậm chí là "ưu đãi" để thu hút nhà đầu tư.
Ông Lược dẫn chứng một số dự án như Nhà máy Bột giấy Phương Nam "đắp chiếu" nhưng hét giá cả ngàn tỉ đồng thì không nhà đầu tư nào dám bỏ vốn. "Thậm chí, nhà nước chấp nhận chịu thiệt để kêu gọi đầu tư. Nhà nước cần xác định số tiền thu hồi khi bán dự án không phải là tất cả, mà cái được lớn hơn là khi dự án có nhà đầu tư mua sẽ xử lý các tồn tại để đi vào hoạt động, doanh nghiệp có lãi thì ngân sách có thêm nguồn thu. Không nên vì đầu tư lớn, bây giờ bán giá thấp mà trì hoãn" - ông Lược giải thích.
Về một số dự án thuộc diện thua lỗ của ngành công thương, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho biết có dự án đấu giá 4 lần không ai mua. "Giá cả đưa ra phải tính toán theo thị trường, khi bán thì bảo nhà máy hoạt động rồi, muốn bán với giá hơn 1.000 tỉ đồng thì khó, trong khi thực tế nhà máy chưa hoạt động" - vị này nói.
Là người chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10-2018 về "sức khỏe" của 12 dự án, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng đã đến lúc Bộ Công Thương cũng như các ngành liên quan cần có cái nhìn thẳng thắn, chấp nhận thực tế ở các dự án thua lỗ để giải quyết dứt điểm, không nên kéo dài.
"Những dự án nào đã chết từ trong trứng nước thì nên xem xét cho phá sản, hoặc kêu bán dự án. Đồng thời, thanh tra - kiểm tra các dự án, chỉ rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm các cá nhân liên quan để cử tri được nắm rõ" - đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói và khẳng định kỳ họp Quốc hội tới đây, vấn đề này sẽ tiếp tục "nóng" tại nghị trường.
Thoái vốn hoặc phá sản
Đối với Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh hiện không còn khả năng tiếp tục hoạt động, có 2 phương án là thoái vốn nhà nước hoặc cho phá sản. Ông cũng yêu cầu xử lý Nhà máy Bột giấy Phương Nam thận trọng, bảo đảm nguyên tắc tách ra khỏi Tổng Công ty Giấy để áp dụng đấu giá tài sản thanh lý và tồn kho.
Bình luận (0)