Ngày 24-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Yếu tố cuối cùng vẫn là con người
Tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chính phủ đề xuất thêm phương án áp dụng Luật Đấu thầu với các công ty con của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để các đại biểu (ĐB) thảo luận, cho ý kiến. Dành toàn bộ 7 phút phát biểu đề cập nội dung này, ĐB Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, nêu rõ ông không đồng tình với phương án này, bởi như vậy phạm vi áp dụng sẽ rất rộng.
Trong khi đó, đặc thù công ty mẹ - con của DNNN rất khó để áp dụng quy định về đấu thầu. Trong công ty con của DNNN sẽ có phần vốn góp của nhà đầu tư tư nhân, nếu áp dụng quy định về đấu thầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tác động tới quyền lợi của nhà đầu tư.
ĐB Phan Đức Hiếu cũng nhấn mạnh nhu cầu tự thân của các công ty con trong DNNN đã thiết kế các quy trình về đấu thầu để tránh thất thoát, nên không cần thiết áp dụng cứng nhắc theo Luật Đấu thầu. ĐB Hiếu cho rằng Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất để quản lý DNNN, mà còn nhiều luật và cơ chế giám sát khác.
"Nếu chúng ta mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu, đánh đồng các chủ thể, áp dụng cứng nhắc một phương thức quản lý thì tôi quan ngại về sự phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống pháp luật đã được thiết kế và đang thi hành" - ĐB Hiếu nói.
ĐB Phan Đức Hiếu cho biết nhiều công ty con đã niêm yết trên sàn chứng khoán, việc áp dụng Luật Đấu thầu sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu, ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa mà nhà nước đang đẩy mạnh.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) phát biểu về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG
ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cũng nhấn mạnh quản lý DNNN bằng nhiều công cụ, không chỉ riêng Luật Đấu thầu. "Không phải làm ra Luật Đấu thầu, làm ra "vòng kim cô" như thế thì sẽ quản lý tốt công tác đấu thầu của DNNN. Yếu tố cuối cùng vẫn là con người và DN" - ĐB Nghĩa nói và nhấn mạnh quan điểm không đồng tình mở rộng phạm vi điều chỉnh với các công ty con của DNNN.
Dùng quyền tranh luận ngay sau đó, ĐB Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) cho rằng Luật Đấu thầu là công cụ quản lý, kiểm soát việc sử dụng tiền của ngân sách nhà nước, của các nguồn thu có nguồn gốc ngân sách nhà nước và từ DNNN. "Việc đấu thầu này do DN thực hiện, nhà nước không can thiệp. Không có nghị quyết nào nêu không thực hiện đấu thầu, bởi đây là một công cụ quản lý, được áp dụng không chỉ trong lĩnh vực của nhà nước" - ĐB Toàn nêu quan điểm.
ĐB Lê Thị Song An (đoàn Long An) lại ủng hộ phương án mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu. ĐB Lê Thị Song An thừa nhận việc này sẽ đưa nhiều đối tượng vào diện điều chỉnh của luật nhưng sẽ hạn chế được việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh những quy định của Luật Đấu thầu, bảo toàn các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, giúp quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch.
Quy định rõ tiêu chí chỉ định thầu
Tại phiên thảo luận, các ĐB cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn trường hợp cấp bách trong y tế. Theo ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình), dự thảo luật quy định được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa có quy định nào về vấn đề này.
Do đó, ĐB Thu đề nghị thay thế cụm từ "cấp cứu người bệnh" thành "trong tình trạng khẩn, cấp bách" và cũng cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường hợp cấp bách.
Góp ý về nội dung chỉ định thầu, ĐB Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội) đồng tình khi dự thảo luật đã bổ sung chỉ định thầu với trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ số thuốc, hóa chất, thiết bị y tế.
Theo ông Chính, để tránh lạm dụng, cần thiết cân nhắc và quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu. ĐB Nguyễn Hữu Chính cũng ủng hộ chỉ định thầu trong trường hợp gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ, áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời đối với các trường hợp cấp bách.
ĐB Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội), Giám đốc Sở Y tế Hà Nội quan tâm đến vấn đề giá gói thầu. Theo ĐB Trần Thị Nhị Hà, những vi phạm chủ yếu trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua cũng xuất phát từ giá gói thầu. Hiện nay, việc xác định giá gói thầu được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 68 của Bộ Tài chính và tồn tại nhiều bất cập.
ĐB Trần Thị Nhị Hà cho biết một trong những phương thức xác định giá gói thầu là phương thức sử dụng 3 báo giá, tuy nhiên còn nhiều bất cập. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.
Theo chương trình kỳ họp, sáng 25-5, QH thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, việc giảm thuế GTGT. Buổi chiều, Chính phủ trình dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), sau đó QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đồng tình thành lập Quỹ phòng thủ dân sự
Cùng ngày, QH đã thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Nhiều ĐB bày tỏ quan điểm ủng hộ việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự được nêu trong dự thảo luật. Theo ĐB Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) việc thành lập quỹ chính là công tác chuẩn bị cho phòng thủ dân sự từ sớm, từ trước khi xảy ra sự cố là thảm họa và đúng với tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự.
ĐB Hà Thọ Bình (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng hiện nay có nhiều dạng sự cố, thảm họa nhưng không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra. Do đó, nếu có Quỹ phòng thủ dân sự thì sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra.
Chính phủ trình giảm 2% thuế giá trị gia tăng
Cùng ngày, Chính phủ đã trình QH tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Cụ thể, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đề xuất áp dụng giảm thuế từ ngày 1-7 đến hết năm 2023.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giảm thuế nhằm bảo đảm đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành việc giảm thuế GTGT 2% như đề nghị của Chính phủ. Theo ông Mạnh, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỉ lệ giảm thuế GTGT đến 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.
Trao đổi với báo chí bên hành lang QH, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng để tạo thuận lợi cho người dân, DN và nền kinh tế, nên giảm thuế GTGT cho tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ và xem xét giảm mạnh hơn mức 2% như đề xuất của Chính phủ. Bởi hiện nay chỉ có chính sách tài khóa mở rộng mới giúp nền kinh tế thoát khỏi đà suy giảm và chúng ta đang có dư địa để thực hiện điều này.
ĐB Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đề xuất không nên áp dụng giảm thuế đồng đều ở tất cả hàng hóa, dịch vụ. Về thời gian áp dụng chính sách nên kéo dài sang năm 2024 thay vì chỉ triển khai đến hết năm 2023 nhằm bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.
P.V
Bình luận (0)