Chiều 25-3, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH; Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước... Nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng việc xây dựng luật chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Luật có "tuổi thọ" ngắn
Tại tổ TP HCM, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của QH ngày càng có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, nhiều luật được ban hành nhưng lại chồng chéo khiến rất khó khăn trong khâu thực hiện.
"Nhiều địa phương, doanh nghiệp phản ánh có quá nhiều luật chưa bảo đảm tính đồng bộ, dẫn đến người có thẩm quyền không yên tâm khi đưa ra các quyết định" - ông Ngân nói.
Dành nhiều thời gian để nói về cách làm luật hiện nay, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng luật có "tuổi thọ" ngắn, chỉ một thời gian phải sửa đổi. Khi áp dụng thực tế thì hay bị "kêu ca". Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nhìn lại quy trình làm luật, việc đưa Chính phủ xây dựng luật đã làm mất yếu tố khách quan. Cùng với đó, chất lượng dự thảo còn phụ thuộc vào nhiều bộ, ngành. Nhiều văn bản gửi hàng chục lần, dự thảo gửi tới lần 30 nhưng... y chang như lần đầu.
"Người xây dựng dự thảo có khuynh hướng phải làm sao để có lợi cho sự quản lý của bộ, ngành mình" - ĐB Phong Lan nhìn nhận và cho rằng nếu không nhìn thẳng vào sự thật này, QH khóa XV hay các khóa tiếp theo sẽ có vướng mắc về mặt xây dựng luật.
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM Ảnh: TTXVN
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu dường như những luật "khó" lại đang bị để sang một bên nên dù thời gian làm luật rất dài nhưng chưa hoàn tất được một số luật mà thực tế đang cần.
Đồng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng cho rằng QH còn thụ động trong hoạt động lập pháp. Với cách làm như hiện nay, giao cho các bộ, ngành của Chính phủ làm luật thì với góc độ nhận thức và lợi ích ngành, khó có được sự khách quan. Vị ĐB đồng thời là luật sư cho rằng khi hình thành chủ trương xây dựng từng luật, QH phải thông qua, có đồng ý làm hay không chứ không phải soạn thảo tới khâu cuối mới trình QH.
Giáo dục có thực sự "cất cánh"?
ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đồng tình với nhận định, đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, QH đã hoàn thành sứ mệnh. Những quyết sách của QH đều tác động rất cụ thể đến người dân và ngay cả những dự án luật chưa được thông qua cũng được xem là thành công của QH. Tuy nhiên, ông Hiền cũng cho rằng quá trình chuẩn bị các dự án luật còn chậm, việc lấy ý kiến với những đối tượng bị tác động trực tiếp bởi sự điều chỉnh chưa nhiều.
Về nhiệm kỳ Chính phủ, ĐB Hiền cho rằng nhiệm kỳ qua đã để lại nhiều dấu ẩn nổi bật. Chính phủ đã tích cực chủ động, thực hiện cải cách đổi mới và các thành viên Chính phủ cũng tăng cường đi cơ sở, chỉ đạo sát thực tiễn. "Thủ tướng Chính phủ luôn "lên rừng, xuống biển", rất sát thực tiễn cơ sở. Đặc biệt trước đại dịch Covid-19, Chính phủ điều hành rất thành công trong thực hiện mục tiêu kép".
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ qua vẫn còn nổi lên một số vấn đề, cần được lưu tâm, xử lý tốt hơn trong nhiệm kỳ tới. Đặc biệt, theo ông Hiền, trong lĩnh vực giáo dục từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kỳ nào cũng rất nóng bỏng. "Lúc thì giáo viên đi tiếp khách, lúc thì thi cử có vấn đề. Cần phải xem xét, đánh giá xem vấn đề do đâu, có vai trò của cá nhân hay không?" - ông Hiền nêu.
Ở góc nhìn khác, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho biết theo báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, lĩnh vực giáo dục đang "cất cánh" và có những tín hiệu khả quan. Nhưng thực tế chúng ta vẫn đang loay hoay trong câu chuyện đổi mới giáo dục và chưa chỉ ra được những khó khăn để có những đầu tư đúng mức. Đặc biệt, có những vụ việc gây mất lòng tin cho toàn xã hội như tiêu cực tuyển sinh trong kỳ thi THPT năm 2018 nhưng lại không có trong báo cáo của Chính phủ.
ĐB Tô Thị Bích Châu (TP HCM) cũng nhận định trong nhiệm kỳ qua, lĩnh vực văn hóa, giáo dục chưa đạt được kết quả rõ nét. Thực tế, nhiều người dân và cử tri trong các buổi họp ở nghị trường vẫn đang than phiền về chất lượng giáo dục, đặc biệt là việc học thêm và dạy thêm. "Tôi không tìm được lý do gì mà đến bây giờ phụ huynh vẫn rất vất vả khi con phải học thêm từ lớp 1. Phải giải thích như thế nào khi mà trong nhiệm kỳ qua, tình trạng này chưa giảm?" - ĐB Châu đặt vấn đề.
Cùng với giáo dục, ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng lĩnh vực văn hóa cũng không có sự bứt phá và các giải pháp chưa hiệu quả: "Trong báo cáo về lĩnh vực văn hóa còn có gì đó "tự an ủi" nhiều quá, mà chưa thấy rõ trách nhiệm của Chính phủ".
Hôm nay (26-3), QH dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của QH; của Ủy ban Thường vụ QH và các Ủy ban của QH.
Cần chuyên gia độc lập soạn thảo dự luật
ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần phải cơ cấu nhóm soạn thảo gồm chuyên gia ngành, chuyên gia pháp luật để viết ra dự thảo rồi đưa cho bộ, ngành, QH giám sát. Chuyên gia độc lập sẽ có cái nhìn khách quan và xuất phát từ lợi ích chung, không có lợi ích riêng. Chuyên gia về pháp luật sẽ giúp đạo luật được xây dựng nên bằng ngôn ngữ của luật pháp.
Bình luận (0)