Trong phiên họp HĐND tỉnh Khánh Hòa vào ngày 27-3, ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết sở đã có đề nghị thành lập hiệp hội doanh nghiệp (DN) lữ hành đón khách Trung Quốc (TQ)" để quản lý chặt chẽ hơn nữa việc đưa du khách TQ đang tăng trưởng mạnh.
Những thủ thuật ma mãnh
Ông Trần Việt Trung đã đưa ra những đề xuất trên khi trả lời chất vấn của đại biểu HĐND Đoàn Minh Long tại phiên họp trên. Ông Long nêu thực trạng gần đây có một số cá nhân, tổ chức tự phát làm hướng dẫn viên (HDV) du lịch cho các đoàn, tour. Trên thực tế, lượng khách TQ đổ về Nha Trang tăng trưởng đột biến thời gian qua. Riêng quý I/2018 trên 400.000 khách TQ đến Khánh Hòa, chiếm 62% lượng khách quốc tế.
Trao đổi với phóng viên, ông Q., giám đốc một công ty lữ hành quốc tế ở Nha Trang, nói khi khách TQ mua tour vào Nha Trang, các chi phí ăn uống đi lại đã được tính toán từ các công ty lữ hành lớn ở TQ. Các công ty này sẽ gom khách rồi đàm phán, liên kết với DN trong nước để đưa khách sang, ăn chia theo tỉ lệ nhất định. Dạng thứ 2 là DN TQ gom khách rồi "bán" lại cho DN trong nước với giá khoảng 1.800 - 2.500 nhân dân tệ/khách (tương đương 6,5 - 9 triệu đồng). Để có lợi nhuận, các công ty lữ hành sẽ dẫn khách đến cửa hàng, nhà hàng ăn hải sản và ăn chia với tỉ lệ 45% - 55% tổng số tiền, hàng mà khách TQ chi tiêu.
Du khách Trung Quốc đến tỉnh Khánh Hòa tăng mạnh trong thời gian qua
Dạng thứ 3 là DN TQ "mượn danh" DN trong nước để đưa khách đi tour thành phố, tour biển đảo… và điều hành tour là người của DN TQ. Dạng nữa là khách TQ tự bàn bạc với nhau, khi qua Nha Trang không mua tour mà tự làm tour. Họ có thể đặt lại dịch vụ của các công ty lữ hành hoặc tự dẫn khách đi ăn chơi, mua sắm và hưởng hoa hồng từ các cửa hàng."Như công ty của tôi, một số người TQ đề nghị chỉ cần đứng tên, không cần phải làm gì cả họ sẽ trả 2 nhân dân tệ/khách/ngày (trên 7.000 đồng). Công ty tôi làm ăn theo kiểu truyền thống, khách đặt tour sau khi trừ thuế phải có lãi từ 100.000 - 200.000 đồng/khách thì mới làm chứ không đồng ý với việc mua bán hay cho mượn này vì nếu có chuyện gì xảy ra, cơ quan chức năng sẽ "nắm đầu" mình liền" - ông Q. bày tỏ.
Ông Đào Trọng Tùng, Giám đốc Vietnamtourism tại Nha Trang, cũng xác nhận có một số công ty lữ hành trong nước để cho cá nhân, DN TQ núp bóng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch tại địa phương.
Lập hiệp hội để quản lý
Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết để chấn chỉnh tình trạng bất cập khi đón khách TQ, từ tháng 7-2016 đến 3-2018, các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh đã kiểm tra 570 lượt đối với 939 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó có 283 lượt kiểm tra liên ngành đối với 391 cơ sở. Kết quả, các cơ quan chức năng đã nhắc nhở 64 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 262 trường hợp.
Theo ông Trần Việt Trung, Luật Du lịch đã quy định HDV phải tham gia hội nghề nghiệp và được một công ty ký hợp đồng. Trên cơ sở này, sở đã tham mưu và được UBND tỉnh đồng ý sẽ thành lập "Hiệp hội DN lữ hành đón khách Trung Quốc". Sở cũng đề nghị thành một DN chuyên cung ứng HDV thuộc hiệp hội này. DN này có trách nhiệm tập huấn cho đội ngũ HDV, tránh tình trạng HDV bù nhìn". Chúng tôi cho rằng cần thiết phải ra đời một hiệp hội chuyên ngành, chuyên sâu để quản lý khách TQ trên địa bàn tỉnh tốt hơn" - ông Trung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - cho rằng du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực du lịch còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, nhất là trong việc phối hợp thực hiện kiểm tra, xử lý các sai phạm. Do đó, các đề xuất của Sở Du lịch tỉnh được tỉnh đồng tình, được UBND tỉnh phê duyệt trong chương trình hành động ngành du lịch năm 2018.
Ông Trần Việt Trung cho biết trên cơ sở được phê duyệt, Sở Du lịch sẽ ban hành quy chế quản lý hoạt động lữ hành qua các chuyến bay thuê bao đến Khánh Hòa; quy chế phối hợp thanh, kiểm tra, xử lý đối với các sai phạm; xây dựng phần mềm và quy chế vận hành phần mềm về cung cấp thông tin trong quản lý hoạt động lữ hành. Dự kiến trong quý II, sở sẽ trình quy chế để UBND tỉnh thông qua.
Chấn chỉnh tour giá rẻ, xử nghiêm vi phạm
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, năm 2017, Đà Nẵng thu hút 600.000 lượt khách TQ, tăng 25% so với năm 2016. Để quản lý chặt du khách nước ngoài, trong đó có du khách TQ, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng thông qua tổng đài 1022 được 3 đơn vị quản lý, gồm: Trung tâm Xúc tiến du lịch, Tổ Phản ứng nhanh du lịch (thuộc Sở Du lịch) và Trung tâm Thông tin dịch vụ công (thuộc UBND TP Đà Nẵng). Việc thiết lập đường dây nóng là nhằm hạn chế tình trạng không minh bạch về giá dịch vụ, đặc biệt tour "0 đồng", tour giá rẻ. Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng đang lên kế hoạch thiết lập "hàng rào kỹ thuật" trong quản lý du khách nước ngoài để trình lãnh đạo thông qua và thực hiện trong thời gian sắp đến.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết đã có đề nghị UBND tỉnh thành lập Tổ Công tác "phản ứng nhanh" để kiểm tra hoạt động về lữ hành, kịp thời xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền; tăng cường quản lý về giá dịch vụ, chất lượng dịch vụ cho khách, việc chấp hành các quy định về lữ hành và HDV du lịch...
B.Vân - Tr.Đức
Bình luận (0)