Sáng 31-12, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan báo chí tham dự hội nghị - Ảnh: Ngô Nhung
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; ông Thuận Hữu - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông; lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng 800 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí cả nước.
Video clip Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 - Video: Ngô Nhung
Diễn đàn tin cậy của nhân dân
Trình bày báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2020 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết năm 2020 là năm tiến hành Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm diễn ra nhiều ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước... đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật được tăng cường. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cơ bản bảo đảm tiến độ.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Về một số kết quả công tác báo chí năm 2020, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh thực hiện Quy hoạch báo chí, trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019. Tính đến ngày 31-12-2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí với hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 21.132 người được cấp thẻ nhà báo. Năm 2020, do sự cạnh tranh mạnh mẽ của truyền thông xã hội, cùng những khó khăn của kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu của nhiều cơ quan báo chí giảm mạnh so với trước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái ảnh) tham dự hội nghị
Trong năm 2020 vừa qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Nội dung thông tin trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội; tập trung thông tin các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; chú trọng nhiệm vụ, vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch... Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 được các cơ quan báo chí quan tâm, chú trọng, qua đó góp phần quan trọng vào thành công chung của công tác phòng chống dịch, bệnh.
Đáng chú ý, năm 2020, công tác thông tin tuyên truyền tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: Phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Đại hội Đảng các cấp, góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền thông tin đối ngoại trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, nâng cao đời sống tinh thần cho toàn dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; về phòng, chống thiên tai, bão lũ;...
Công tác thông tin, tuyên truyền về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú. Số lượng, chất lượng các chuyên mục, chương trình, tin bài mở mới đã tăng lên đáng kể, nhiều bài viết, chương trình có hiệu ứng tốt trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự hội nghị
Theo ông Lê Mạnh Hùng, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên báo chí; việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều đổi mới và chủ động bám sát với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, tăng tính thuyết phục, nhất là với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực báo chí. Việc triển khai áp dụng 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam bước đầu phát huy tác dụng; công tác kiểm tra, giải quyết, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp được tăng cường.
Quy hoạch báo chí đảm bảo tiến độ
Ông Lê Mạnh Hùng cho biết tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các cuộc giao ban công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động báo chí; tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề giữa cơ quan chỉ đạo với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí nhằm quán triệt việc thực hiện Quy hoạch báo chí, chấn chỉnh tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp. Năm 2020 cũng là năm đầu tiên tổ chức triển khai giao ban riêng với các tạp chí, qua đó, cung cấp đầy đủ thông tin và kịp thời định hướng trực tiếp thông tin cho nhiều cơ quan tạp chí; bước đầu áp dụng công nghệ để đo đếm, phân tích, tổng hợp, đánh giá, nhận biết các xu thế thông tin trên báo chí, từ đó đưa ra những chỉ đạo, định hướng và quản lý kịp thời, hiệu quả, thuyết phục.
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được chỉ đạo triển khai và thực hiện quyết liệt, cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Đã có 61/78 cơ quan, tổ chức, địa phương (phải thực hiện Quy hoạch) hoàn thành thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét, xử lý hồ sơ của các trường hợp còn chưa hoàn thành quy hoạch, bảo đảm đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Công tác rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên, cộng tác viên được quan tâm; xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử. Năm 2020 đã xử phạt 18 cơ quan báo chí với tổng số tiền 427,7 triệu đồng; 13 trường hợp trang thông tin điện tử với tổng số tiền trên 600 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 2 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 2 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.
Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để tăng khả năng tiếp cận tốt nhất của người dân đối với thông tin; chú trọng đầu tư, đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng thông tin để mang đến cho người đọc, người xem những tác phẩm báo chí giá trị, có tác động xã hội lớn, đạt hiệu quả về thông tin tuyên truyền.
Tập trung tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Về nhiệm vụ năm 2021, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung thông tin, tuyên truyền, phản ánh các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, đặc biệt là thông tin, tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh kết quả đạt được; triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thông tin về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử Quốc hội khóa XV, các Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030...; tăng cường các tuyến tin, bài liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thông tin tuyên truyền về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ chủ quyền biển đảo; thông tin các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Các cơ quan quản lý báo chí tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, kịp thời đề xuất, kiến nghị các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đổi mới công tác chỉ đạo tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tổ chức họp giao ban định kỳ giữa các đơn vị liên quan để đánh giá kết quả và thống nhất cơ chế, phương thức tuyên truyền xuyên suốt, đồng bộ với sự tham gia của các cơ quan báo chí ở các loại hình báo chí.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và hệ thống báo chí để rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện những vấn đề phát sinh, bất cập của quy định pháp luật, làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật Báo chí trong năm 2021, trong đó chú trọng quản lý nội dung đi đôi với quản lý nền tảng, công nghệ.
Bình luận (0)