Sáng 16-4, tại TP HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức hội nghị tập huấn báo chí tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tham dự buổi tập huấn có khoảng 200 phóng viên, biên tập viên của gần 100 cơ quan báo chí khu vực phía Nam.
Giai đoạn nước rút
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết từ nay đến ngày bầu cử (ngày 23-5) còn hơn 1 tháng. Đây là giai đoạn rất quan trọng, giai đoạn nước rút, mang tính chất quyết định sự thành công của cuộc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp. Do đó, đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Về nội dung tuyên truyền, ông Hoàng Vĩnh Bảo cho hay các cơ quan báo chí cần tập trung vào tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; nêu bật những thành tựu của QH và HĐND các cấp qua các thời kỳ, khẳng định sự kế thừa, phát huy tinh thần đổi mới của QH trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thông tin về vị trí, vai trò của người ĐB nhân dân; tiêu chuẩn của ĐBQH và ĐB HĐND theo các quy định mới; các quy định về trình tự, thể thức bầu cử; công tác chuẩn bị nhân sự, hiệp thương và gặp gỡ, tiếp xúc cử tri của người được giới thiệu ứng cử. Thông tin để mọi người hiểu rõ, đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tham gia bầu cử.
Sau hội nghị hiệp thương lần 3 sẽ chốt được danh sách các ứng cử viên, chuẩn bị cho các bước tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, lên danh sách cử tri để chuẩn bị cho ngày bầu cử. "Đây cũng là thời điểm các thế lực thù địch, cơ hội lợi dụng để chống phá" - ông Hoàng Vĩnh Bảo lưu ý. Theo ông, cũng có thể có ứng cử viên chưa đạt tiêu chuẩn nên nhiệm vụ của báo chí là chỉ ra bằng những bằng chứng và thông tin cụ thể chứ không phải chạy theo mạng xã hội, đưa những thông tin vu vơ, gây nghi kỵ trong xã hội. Ông khuyến khích cơ quan báo chí phát hiện, có những bài điều tra tới cùng để kiên quyết loại những ứng cử viên không đủ tiêu chuẩn, không đủ điều kiện nhưng đồng thời cảnh giác không chạy theo mạng xã hội. "Chúng ta cảnh giác với những thông tin bịa đặt, vu cáo nhưng cũng phải tỉnh táo nếu ứng cử viên nào không đủ điều kiện thì phải làm đến nơi đến chốn" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Ngoài ra, báo chí cần chú trọng thông tin, tuyên truyền đối ngoại về bầu cử, giới thiệu với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với nhân dân các nước trên thế giới biết thể thức và không khí dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình bầu cử; đấu tranh phản bác những thông tin, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.
Phóng viên, biên tập viên khu vực phía Nam dự buổi tập huấn tuyên truyền công tác bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp
Bảo đảm khách quan, công bằng
Tại hội nghị, các phóng viên, biên tập viên đã được nghe TS Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng ĐB dân cử của QH, giới thiệu về Luật Bầu cử QH, Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND năm 2015.
TS Nguyễn Hải Long cho hay thời gian qua, có một số cá nhân ở vị trí lãnh đạo hay có cá nhân không tiếp tục ứng cử ĐBQH là chuyện rất bình thường. Lý do có thể xuất phát từ việc nhiệm kỳ này, cơ quan, tổ chức không giới thiệu cá nhân đó ứng cứ nữa hoặc bản thân cá nhân đó muốn dành nhiều thời gian để làm công tác chuyên môn. Cũng có khi theo phân bổ thì đơn vị, tổ chức đó không có suất ứng cử viên ĐBQH… "Chuyện này không có gì bất thường, báo chí không nên giật vấn đề lên để tránh gây hoang mang dư luận" - TS Nguyễn Hải Long nói và lưu ý truyền thông không nên chỉ nhìn bề nổi vấn đề mà cần phải có chiều sâu, đa chiều để thông tin được chính xác. Ngoài ra, khi tuyên truyền về vận động bầu cử cũng phải khách quan, công bằng. Đã là ứng cử viên thì ai cũng bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt đối xử. Trong vận động bầu cử, cũng nghiêm cấm các hành vi hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri...
Định hướng công tác thông tin, tuyên truyền bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, TS Đinh Thị Mai - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương - đề nghị các cơ quan báo chí thông tin khẳng định vị trí, vai trò của Đảng, QH, Ủy ban MTTQ Việt Nam trong cuộc bầu cử. Khi tuyên truyền chương trình hành động cho ứng cử viên nên thông tin theo từng tổ ĐB để có sự so sánh, bảo đảm công tâm, khách quan.
TP HCM dự kiến tổ chức hội nghị hiệp thương lần 3
Theo Ủy ban Bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND TP HCM nhiệm kỳ 2021-2026, đến nay, TP Thủ Đức, 5 huyện và 16 quận, Ủy ban MTTQ các phường, xã, thị trấn đã phối hợp với UBND cùng cấp tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với 50/50 người ứng cử ĐBQH, 169/169 người ứng cử ĐB HĐND TP, 68/68 người ứng cử ĐB HĐND TP Thủ Đức, 288/288 người ứng cử ĐB HĐND các huyện và 3.119 người ứng cử ĐB HĐND xã, thị trấn.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết ngày 18-4 là hạn chót tổ chức hội nghị hiệp thương lần 3 nhằm lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp. Dự kiến, Ủy ban MTTQ TP sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần 3 vào ngày 17-4. Do đó, bà yêu cầu TP Thủ Đức, 5 huyện và các xã, thị trấn phải tổ chức hội nghị hiệp thương bảo đảm theo tiến độ đề ra. Sau hội nghị hiệp thương lần 3, công việc tiếp theo cần tập trung thực hiện là công bố danh sách chính thức các ứng cử viên ĐBQH, ĐB HĐND các cấp (công bố trước ngày 3-5). Tiếp đó, hoạt động vận động bầu cử sẽ được tiến hành từ ngày niêm yết, công bố danh sách ứng cử viên cho đến 24 giờ trước thời điểm bầu cử (ngày 23-5).
Bình luận (0)