Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, vẫn dõi theo tình hình giáo dục của cả nước. Ông cảm thấy bất ngờ và rất buồn về tiêu cực trong chấm thi xảy ra ở Hà Giang, làm xấu xí hình ảnh giáo dục Việt Nam và khiến dư luận nghi ngờ còn có bao nhiêu "Hà Giang" nữa.
Theo dõi kết quả thi của nhiều địa phương, ông Ngai thấy nhiều nơi điểm cao bất thường và không tin vào kết quả đó. "Kết quả giáo dục là cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai mà nâng lên được nên tôi không tin kết quả tăng bất thường ở một số địa phương" - ông bày tỏ.
Ông Ngai cho rằng dù Bộ GD-ĐT có kiểm tra kết quả thi, quy trình tổ chức ở các địa phương và Bộ Công an đã vào cuộc mạnh mẽ nhưng vụ việc ở Hà Giang làm cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục. Là người phụ trách công tác tổ chức thi cử suốt nhiều năm, ông không tin một mình phó trưởng phòng khảo thí của Sở GD-ĐT Hà Giang có thể gian lận được mà chắc hẳn có cả hệ thống, những người đứng sau. Ông mong cơ quan điều tra làm cho ra lẽ, đúng người, đúng tội.
Một giáo viên dạy văn tại một trường THPT ở Vĩnh Long cho biết cô cảm thấy lo cho nền giáo dục nước nhà khi mà tiêu cực xảy ra ở hầu như mọi kỳ thi. Những thí sinh không đủ năng lực được nâng đỡ không trong sáng để sau này cố ngồi vào vị trí cao chỉ làm hại cho tương lai đất nước.
Thí sinh căng thẳng trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2018Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ năm 2015. Trong 2 năm đầu, kỳ thi do trường ĐH chủ trì từ khâu coi thi đến chấm thi, sở GD-ĐT địa phương chỉ phối hợp. Tuy nhiên, từ năm 2017, vai trò đó đã được hoán đổi với niềm tin đặt trọn vào sở GD-ĐT. Khi thực hiện hoán đổi đó, đại diện nhiều trường ĐH đã cực lực phản đối. PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, là một trong số đó.
"Những ai dự cuộc họp triển khai công tác thi THPT quốc gia cách đây mấy năm chắc còn nhớ tôi đã phản đối quyết liệt việc đưa công tác thi và chấm thi về các địa phương nhưng vẫn không tác động được cấp vĩ mô trong việc thay đổi chính sách" - ông Đỗ Văn Dũng nhớ lại.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm đã tạo ra tư duy cục bộ, địa phương chủ nghĩa như hiện nay nên khó thể trách ai ở vụ việc tiêu cực gần đây trong thi cử. "Việc phiếu trả lời trắc nghiệm được tô bằng chì cũng là kẽ hở chết người khiến kẻ xấu lợi dụng để thay đổi kết quả thi. Việc này tôi đã dự báo trước và đề nghị có các biện pháp ngăn ngừa. Hiện tại, tất cả chúng ta phải khóc và xót xa vì những sự cố vừa qua!" - ông trăn trở.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM, cho biết từ năm 2017, trường đã tổ chức riêng kỳ kiểm tra năng lực. Năm nay, tỉ lệ xét tuyển theo phương thức này lên đến 65% (tăng 3,5 lần so với năm 2017), giảm tỉ lệ xét tuyển từ kết quả THPT xuống chỉ còn 15%.
Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng nếu 63 tỉnh/TP đều tiêu cực như Hà Giang thì có khoảng 6.000 thí sinh được nâng điểm, chiếm 1%-2% chỉ tiêu xét tuyển vào các trường ĐH. Chắc chắn kết quả thi năm nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của các trường ĐH trong việc xét tuyển dựa trên điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia 2018.
7 ngày đi tìm sự thật
- Ngày 14-7, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã lên Hà Giang để tìm hiểu nhằm làm rõ vụ điểm thi cao bất thường.
- Chiều 17-7, Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Hà Giang tổ chức họp báo công bố ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng - Sở GD-ĐT Hà Giang, can thiệp vào điểm thi. Có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi bị sửa kết quả.
- Ngày 18-7, Bộ GD-ĐT thành lập 2 tổ công tác đến 2 tỉnh Sơn La và Lạng Sơn để kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi.
- Ngày 19-7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang khởi tố vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang.
- Ngày 20-7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Vũ Trọng Lương.
Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang đình chỉ nhiệm vụ liên quan tới kỳ thi đối với ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM:
Quá bất công!
Với cách thi cử như ở nước ta, chỉ cần 0,25 điểm là đủ để góp phần tác động, thay đổi cuộc đời một con người. Sự gian lận điểm thi ở Hà Giang là sự bất công với những học sinh khác vốn học và thi bằng thực lực. Chắc chắn cú sốc gian lận này sẽ là nỗi đau của những người làm giáo dục tử tế.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM):
Nên giao xét tốt nghiệp cho các sở
Cách chấm thi nếu còn giữ nguyên như hiện nay đã tạo ra những kẽ hở cho tiêu cực. Với đề văn là đề thi mở nên cách chấm cũng mở, biên độ điểm giữa 2 giám khảo chấm thi có thể kiểm soát được. Với các bài thi trắc nghiệm, dù là máy móc chấm nhưng không rọc phách, các câu trả lời lại tô bằng bút chì nên nếu có âm mưu thay đổi, can thiệp vào bài thi là điều hoàn toàn dễ dàng.
Về lâu dài, Bộ GD-ĐT nên giao việc xét tốt nghiệp cho các sở GD-ĐT như một kỳ kiểm tra học kỳ II thông thường. Việc xét tuyển vào ĐH-CĐ nên giao cho một số trường ĐH trọng yếu, một số trường xét học bạ. Các em được quyền thi vào trường mình muốn, hoặc tổ chức xét học bạ tùy theo khả năng mỗi em. Bộ chỉ nên kiểm soát đầu ra ở các trường ĐH. Nếu không làm được điều này thì thi cử cứ mãi luẩn quẩn xảy ra. Có thể năm nay tiêu cực ở Hà Giang, năm sau lại là địa phương khác.
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An):
Xem lại hình thức thi trắc nghiệm
Quy trình chấm thi trắc nghiệm hiện nay rất nghiêm ngặt và chặt chẽ với nhiều công đoạn, có sự thực thi và giám sát của nhiều người, kể cả cơ quan công an. Vậy mà sai phạm vẫn xảy ra. Bộ GD-ĐT cần có một đánh giá trung thực và khách quan về kỳ thi THPT quốc gia sau 2 năm thay đổi từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Mất mát niềm tin
Mất mát lớn nhất sau vụ tiêu cực thi cử gây rúng động này chính là sự mất lòng tin của thế hệ trẻ, của xã hội vào sự thiếu trung thực của những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, vào sự trong sạch của một môi trường cần sự mẫu mực.
Đây là sự mất mát không dễ gì hàn gắn được. Sửa điểm là câu chuyện của người lớn nhưng tổn thương là hệ lụy đối với con trẻ. Sau sự việc này, dù muốn dù không thì nhiều học sinh Hà Giang cũng sẽ bị áp lực tâm lý khi thầy cô, bạn bè nhìn vào hoặc buông lời giễu cợt "là học sinh Hà Giang!". Điều này khiến những người Hà Giang chân chính bị ảnh hưởng và nó đã xóa sạch những cố gắng, nỗ lực của biết bao nhiêu học sinh, thầy cô giáo Hà Giang.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp:
Vấn nạn ăn sâu vào nhiều kỳ thi
Không phải đến khi phát hiện gian lận điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang mới có chuyện gian lận trong thi cử. Vấn nạn này đã ăn sâu, bám rễ từ lâu ở rất nhiều kỳ thi. Thậm chí, ngay trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cũng có những bất công khiến học sinh, phụ huynh bức xúc. Nhưng vụ tiêu cực này khiến niềm tin của xã hội bị lung lay, chao đảo vô cùng tận. Chưa bao giờ cả xã hội lại sôi sục, nghi ngờ về những kết quả thi cử như bây giờ.
Theo tôi, cần phải coi lại nghiêm túc phổ điểm của năm 2017 và năm nay của những địa phương có điểm cao ngờ vực. Đặc biệt, để lấy lại niềm tin của xã hội, cần xác minh lại học lực của những thí sinh trúng tuyển ngành công an, quân đội, y dược với điểm số từ 27 trở lên. Sự dối trá triệt tiêu tinh thần phấn đấu, rèn luyện, cơ hội của các học sinh giỏi thực lực. Nếu phải đối mặt với quá nhiều tiêu cực, các em sẽ dễ nảy sinh các tâm lý tiêu cực, chán chường.
Lan Anh - Đặng Trinh ghi
Bình luận (0)