Sáng 13-12, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức hội thảo: "Giải pháp mở rộng diện bao phủ chính sách BHXH đối với người lao động (NLĐ) khu vực phi chính thức".
Ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, cho biết sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp. Tính đến hết tháng 12-2017, cả nước mới có 224.243 người tham gia BHXH tự nguyện, chỉ chiếm khoảng 0,6% trong tổng số khoảng 35 triệu lao động khu vực phi chính thức - đối tượng chính của BHXH tự nguyện.
Điều đáng nói là trong số những người tham gia BHXH tự nguyện, có đến 60% đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó nên họ đóng tiếp để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí. Điều này đồng nghĩa với hơn 99% lao động ở khu vực phi chính thức vẫn nằm ngoài lưới an sinh xã hội.
Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Phạm Trường Giang, cho biết có nhiều lý do dẫn đến tốc độ mở rộng diện bao phủ BHXH tăng chậm. Trong đó có nguyên nhân thuộc về chính sách, như: Luật BHXH chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc; thời gian dài chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện; các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu rất khắt khe (tham gia 20 năm mới được hưởng) nên nhiều người chọn hưởng BHXH một lần. "Chính sách BHXH tự nguyện chưa thật hấp dẫn do chỉ thực hiện hai chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi nhiều người dân có nhu cầu tham gia nhiều chế độ hơn nhưng chưa được đáp ứng" - Vụ trưởng Vụ BHXH lý giải.
Ông Phạm Trường Giang cho rằng cần rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của BHXH tự nguyện, để NLĐ có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.
Theo đó, cần sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí, từ 20 năm như hiện nay xuống 15 năm, hướng tới 10 năm với mức hưởng phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ lớn tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Ngoài ra, cần sửa các quy định về hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền, thanh - kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện.
Ông Giang cũng cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật theo nguyên tắc chia sẻ; điều chỉnh lương hưu, công thức tính lương hưu khi giảm thời gian đóng; tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện; tăng tuổi nghỉ hưu; quy định chặt chẽ điều kiện hưởng BHXH một lần; đẩy mạnh tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi, công khai, minh bạch...
Bình luận (0)