Ngày 30-10, Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Sẵn sàng các phương án
Tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) dành nhiều quan tâm đến tình hình biển Đông và vấn đề bảo vệ chủ quyền. Ông Hiếu cho rằng Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn xây dựng bồi đắp sang giai đoạn quân sự hóa và khai thác sử dụng, nên chúng ta cần công khai cập nhật chi tiết các hoạt động lấn chiếm biển, đảo vi phạm luật pháp của Trung Quốc để người dân Việt Nam, dư luận tiến bộ trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc, được biết.
Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, các phương pháp chúng ta sử dụng trong thời gian qua là vừa hợp tác vừa đấu tranh kiên quyết, kiên trì xử lý hành vi xâm phạm chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, đã không làm giảm đi lòng tham của họ. Do đó, cần có thêm những biện pháp mới theo nguyên tắc mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khẳng định là không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Trung tướng Trần Việt Khoa: “Chúng ta cần cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với những tình huống có thể xảy ra”. Ảnh: QUANG VINH
Vị ĐB tỉnh An Giang cho biết nhiều cử tri đề nghị phải đưa vi phạm của Trung Quốc ra tòa án quốc tế, không chỉ kiện nước này vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía Nam biển Đông (xâm phạm bãi Tư Chính), mà phải kiện toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, xây công trình phi pháp, quân sự hóa ở biển Đông suốt thời gian vừa qua.
ĐBQH - Trung tướng Trần Việt Khoa (Hà Nội) - Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng - nêu rõ tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, đe dọa an ninh khu vực và an ninh các nước có chung khu vực biển Đông. "Từ tháng 5-2019, khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển và đặc biệt là từ đầu tháng 7 đến những ngày tháng 10 vừa qua, nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách hết sức phi lý. Đây là những điều chúng ta không thể chấp nhận được. Ngoài ra, họ đưa tàu xuống khảo sát và thăm dò, có những thời điểm họ đưa theo 35-40 chiếc để bảo vệ" - Trung tướng Trần Việt Khoa nói.
Theo vị Ủy viên Quân ủy Trung ương, trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiến hành ngoại giao, đấu tranh trên cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền. Trên thực địa, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta không thể chối cãi theo công ước, luật pháp quốc tế, Công ước về Luật Biển năm 1982.
"Đất nước ta đã từng phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, chúng ta thấy được sự tàn khốc của chiến tranh và sự mất mát của mỗi gia đình và dòng họ. Việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Chúng ta cần cảnh giác, tỉnh táo, sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra. Vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước" - Trung tướng Trần Việt Khoa bày tỏ.
Khó duy trì tăng trưởng 6,8%
Đánh giá về tình hình kinh tế, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khẳng định với việc cả 12 chỉ tiêu KT-XH đã hoàn thành, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%, thất nghiệp dưới 4%, tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm, trên 130.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, đầu tư xã hội được mở rộng.., Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đây là những thành quả rất quan trọng.
Tuy nhiên, về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo, ĐB Vũ Tiến Lộc băn khoăn cho rằng mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan. Theo ông, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc, dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu thì mức tăng trưởng 6,8% của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài như nước ta rất khó khả thi. Vì vậy, Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động ứng phó với tình huống này.
Tán thành nhận định của Chính phủ về kết quả KT-XH năm 2019, song theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, năm 2018, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 2.590 USD thì thế giới khoảng 11.000 USD. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD nhưng nay khoảng cách đã là hơn 8.000 USD.
Với sự chênh lệch này, ĐB Hoàng Quang Hàm so sánh: 30 năm qua là khoảng thời gian để nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… "hóa rồng, hóa hổ". Cũng 30 năm qua, Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng mới chỉ là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. "Tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do chưa đột phá thành công các vấn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu. Đây là căn nguyên dẫn đến chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ" - ông Hàm nhận định.
ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho biết năm 2019, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm. Nghịch lý ở chỗ dù trở thành "quán quân" trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm, số DN ngừng hoạt động chờ giải thể tăng 6,3% so với năm 2018. "Việc đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi môi trường kinh doanh có thực sự lý tưởng để DN tư nhân phát triển? Tình trạng trên nóng, dưới lạnh, ở giữa thờ ơ đã làm giảm nhiệt huyết của người dân, DN. Các giấy phép "con, cháu", chi phí không chính thức và đặc biệt là chi phí tuân thủ pháp luật do tồn tại quá nhiều quy định gia tăng áp lực lên DN" - ông So nêu thực tiễn và đề nghị cần phải thay đổi điều này.
Dự án giao thông trọng điểm giải ngân chậm
Trong phiên thảo luận vào chiều cùng ngày, trả lời ý kiến của một số ĐBQH về việc giải ngân chậm các dự án giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận năm nay, Bộ Giao thông Vận tải được giao 26.000 tỉ đồng nhưng giải ngân chậm, dẫn đến trễ tiến độ một số dự án trọng điểm. Trong 26.000 tỉ đồng, bộ đã bố trí 10.000 tỉ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và 15.000 tỉ đồng cho 14 dự án giao thông cấp bách mà QH đã thống nhất từ giữa năm 2017.
Với 14 dự án cấp bách trên, đến thời điểm này, bộ đã bàn giao cho 14 địa phương để tiến hành giải phóng mặt bằng. Từ nay đến cuối năm sẽ khởi công 10 dự án .
Suy thoái đạo đức sinh ra tham nhũng
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của QH vào sáng cùng ngày, phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về đạo đức cán bộ và đạo đức xã hội gây sự chú ý của nhiều người. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, hiện nay, bên cạnh "màu hồng" của nền kinh tế - xã hội, vẫn còn "quầng đen" bao phủ; từ xâm hại trẻ em, đổ dầu thải đầu độc nguồn nước đến bảo kê DN vi phạm, rút ruột công trình lập quỹ đen, hàng trăm gia đình gian lận điểm thi...".
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng suy thoái đạo đức cán bộ, đạo đức xã hội là gốc rễ phá hoại bộ máy công vụ. Suy thoái đạo đức là mầm mống gây ra lòng tham, tham nhũng. "Cử tri rất bức xúc vì có tình trạng "giơ cao đánh khẽ" với cán bộ sai phạm nghiêm trọng đường lối, chính sách, pháp luật thời gian qua. Cách xử lý như kiểu "tặng quà" cho cán bộ sai phạm đã tạo ra sự bất công, cũng chính vì thế mà không buộc người xấu phải sám hối "tu thân sửa mình", ngược lại họ sẵn sàng "hy sinh đời bố để củng cố đời con" - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Bình luận (0)