xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo vệ di sản góp phần định vị thương hiệu quốc gia

NHÓM PHÓNG VIÊN

Phát huy giá trị những di sản văn hóa phi vật thể cũng là hình thức quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế

Hiện nước ta có 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT), gồm: Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian.

Tài nguyên rất quý giá

Căn cứ 7 loại hình này, nếu di sản đáp ứng được 4 tiêu chí: Thể hiện sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ, thì các địa phương có thể lập hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) xem xét, ghi danh vào danh mục di sản VHPVT quốc gia theo quy định tại Thông tư 04, năm 2010.

Đến nay, khoảng 70.000 Di sản VHPVT được kiểm kê trên cả nước, trong đó có 498 di sản được đưa vào danh mục Di sản VHPVT quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh tại danh mục Di sản VHPVT đại diện của nhân loại và Di sản VHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp.

Chia sẻ về phát huy vai trò di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL, nhấn mạnh Việt Nam đã là điểm đến về du lịch di sản hàng đầu của thế giới, đặc biệt với sự kiện vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh và quần đảo Cát Bà thuộc TP Hải Phòng chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Theo Cục trưởng Cục Di sản, UNESCO ghi nhận Việt Nam là quốc gia thành viên rất có kinh nghiệm và trách nhiệm trong bảo vệ di sản thế giới. Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng Việt Nam có thể được coi là mô hình mẫu vừa bảo tồn di sản vừa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

"Di sản chính là nguồn tài nguyên rất quý giá gắn với phát triển du lịch để phát triển kinh tế - xã hội. Gìn giữ, phát huy giá trị những di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh cũng là một hình thức quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến thế giới. Đó là một giải pháp rất tốt trong định vị thương hiệu quốc gia, khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế" - Cục trưởng Cục Di sản nhấn mạnh.

Trước mong muốn di sản trở thành một lĩnh vực có đóng góp tích cực trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, bà Lê Thị Thu Hiền gợi ý có thể tính đến việc làm hồ sơ ghi danh cho nghề may áo dài hay tập quán sử dụng áo dài, tri thức dân gian nấu phở hay làm bún chả, nem...

"Nếu được ghi danh, những di sản VHPVT này sẽ cùng di sản văn hóa vật thể góp phần định vị thương hiệu quốc gia, khẳng định, giới thiệu quảng bá giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc của dân tộc cũng như hình ảnh đất nước con người Việt Nam" - bà Hiền cho hay.

Đời sống nghệ nhân vẫn khó

Làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây là một trong những làng nghề cổ xưa nhất Việt Nam vẫn duy trì hoạt động sản xuất hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Làng có khoảng 400 hộ dân, trong đó 70% người dân biết làm gốm.

Cụ Trượng Thị Gạch (81 tuổi) - một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất của làng gốm Chăm Bàu Trúc, cho biết cái khó nhất của nghề làm gốm là phải luôn mày mò, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm tươi mới, không rập khuôn. Do làm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay nên mỗi sản phẩm là một ý tưởng không giống nhau,. Điều này đòi hỏi người làm gốm phải chỉn chu, chịu khó, tỉ mỉ khi tạo hình các sản phẩm, trong khi giá trị sản phẩm chưa mang lại thu nhập đủ tốt.

Theo ông Phú Hữu Minh Thuần - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc, kể từ khi dòng gốm mỹ nghệ được đưa vào sản xuất song song với dòng gốm gia dụng thì đời sống của bà con làng nghề phần nào cải thiện. Tuy nhiên, nhìn chung đời sống của nghệ nhân vẫn còn khó khăn, thu nhập thiếu ổn định.

Bên cạnh là di sản VHPVT quốc gia, tháng 11-2022, UNESCO đã ghi danh Di sản "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vào danh sách Di sản VHPVT cần bảo vệ khẩn cấp.

"Tôi tin sau khi được UNESCO công nhận là Di sản VHPVT thì làng gốm Bàu Trúc sẽ được nhà nước quan tâm đầu tư hơn, nhất là về vốn, nguyên liệu cũng như các chính sách khác" - ông Thuần bày tỏ.

Cách Bàu Trúc gần 100 km, làng gốm Đức Bình (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) cũng được ghi danh là Di sản VHPVT quốc gia. Gốm Đức Bình cũng của người Chăm, được lưu truyền qua nhiều đời theo mẫu hệ. Làng gốm Đức Bình hiện còn 43 hộ với 46 người đang làm gốm thường xuyên với phương pháp thủ công hoàn toàn. Việc được UNESCO đưa nghệ thuật làm gốm Chăm vào danh sách Di sản VHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp giúp nhiều hộ trong thôn, trong làng phấn khởi, vững tin giữ lửa nghề.

Bảo vệ di sản góp phần định vị thương hiệu quốc gia - Ảnh 2.

Kiểm tra chất lượng nước mắm truyền thống tại một doanh nghiệp sản xuất ở TP Phú Quốc (Kiên Giang) Ảnh: Quốc Trần

Cần kinh phí lớn

Tỉnh Khánh Hòa có lễ hội cầu ngư, lễ Bỏ mả của người Raglai, lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận là Di sản VHPVT quốc gia. Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc thực hiện cam kết phát huy giá trị di sản VHPVT, tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều đề án bảo vệ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, lễ hội Tháp Bà được phát huy tốt, trở thành điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm trong lịch sử.

Riêng lễ Bỏ mả của người Raglai, ông Lê Văn Hoa đánh giá đây là một tập tục có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của từng người Raglai. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, người Raglai có nhiều điều kiện giao lưu với các nền văn minh khác thì các lễ hội này cũng bị mai một đi nhiều. Lý do vì để làm được một lễ Bỏ mả lớn cần nhiều kinh phí, trong khi đời sống khó khăn. Hiện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa và UBND các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh - hai huyện có đồng bào Raglai cư trú - đang có kế hoạch tổ chức đề án triển khai hỗ trợ về nhân lực, kinh phí nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ Bỏ mả của người Raglai; phòng văn hóa của các huyện này đang thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy cách đánh chiêng, hát Akhat juca (hát kể Trường ca Raglai)... nhằm bảo tồn vốn văn hóa dân gian Raglai trong cộng đồng.

Tại các tỉnh ở Tây Nguyên, trước sự phát triển mạnh mẽ của âm nhạc hiện đại, cồng chiêng Tây Nguyên cũng như một số loại âm nhạc dân tộc đang có nguy cơ mai một nên cần có những giải pháp mạnh để bảo tồn và phát huy giá trị kiệt tác của nhân loại.

Ông Trần Đức Nhật - Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - cho biết không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại bao gồm nhiều yếu tố, bộ phận. Cho nên, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là bảo tồn những bộ cồng chiêng mà còn là các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức các lễ hội đó.

Nhằm giữ gìn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng, TP Buôn Ma Thuột đã có nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng. Trong đó, tập trung đầu tư cho giữ gìn bản sắc văn hóa theo hướng "buôn trong phố, phố trong buôn". Cùng đó, tiếp tục quan tâm đầu tư cho 33 buôn của TP Buôn Ma Thuột giữ gìn không gian nhà dài, bến nước, văn hóa đặc trưng của dân tộc Ê Đê, tô đậm thêm giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Trong khi đó, ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong các buôn làng, những người biết đánh cồng chiêng còn rất ít và tuổi cao, sức yếu. Chính sách ưu đãi cho các nghệ nhân và kinh phí dành cho bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống còn hạn hẹp. Nếu không có giải pháp cụ thể, những giá trị văn hóa truyền thống đứng trước nguy cơ mai một.

Bảo vệ di sản góp phần định vị thương hiệu quốc gia - Ảnh 3.

Cụ Trượng Thị Gạch là một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất của làng gốm Chăm Bàu Trúc, Ninh ThuậnẢnh: Châu Tỉnh

Tiêu chí phải rõ

Liên quan đến đề xuất công nhận các làng nghề làm nước mắm thủ công của Việt Nam là Di sản VHPVT mà dư luận đang quan tâm, PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, cho hay để nâng tầm nước mắm Việt Nam thì việc công nhận này là cần thiết.

Theo PGS-TS Trần Đáng, dựa vào thực tế là nước mắm đã có tại Việt Nam từ ít nhất là thế kỷ thứ X, phổ biến vào thế kỷ thứ XVII - đáp ứng tiêu chí đầu tiên về bề dày lịch sử. Thứ hai, đó là nghề thủ công. Thứ ba, công nghệ sản xuất được lưu truyền liên tục nhiều đời, hình thành nên nhiều làng nghề sản xuất nước mắm như vùng: Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Thanh Hóa, Đà Nẵng, Nam Định… Thứ tư, nước mắm là sản phẩm được gần 100% dân số Việt Nam sử dụng, không có chống chỉ định; có thị trường khoảng 5 triệu kiều bào và ngày nay có đến 40% các đầu bếp phương Tây cũng sử dụng nước mắm làm gia vị.

"Từ 4 tiêu chí trên nên chúng tôi mới dự định đề xuất cơ quan có thẩm quyền công nhận nghề làm nước mắm thủ công là Di sản VHPVT. Nếu được công nhận, các làng nghề làm nước mắm sẽ được tôn vinh, góp phần thu hút khách trong và ngoài nước đến nhiều hơn" - ông Đáng bày tỏ.

Cũng theo ông Đáng, hiệp hội với tư cách là người trong cuộc sẽ đề xuất các cơ quan chức năng, phối hợp lập hồ sơ, cung cấp tư liệu và đây là một chương trình dài hơi. "Đời mình chưa làm xong thì con cháu sẽ thực hiện" - ông Đáng nhấn mạnh.

Còn TS Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, cho biết sau khi "Nghề làm nước mắm Phú Quốc" được nhận bằng Di sản VHPVT quốc gia vào tháng 12-2022, các hội viên trong hiệp hội có ý tưởng làm sao để nghề làm nước mắm Việt Nam cũng được công nhận là di sản. Tuy nhiên, đó chỉ mới là ý tưởng do Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam nguồn lực hạn hẹp, đang tập trung cho công tác xây dựng tiêu chuẩn nên chưa triển khai gì.

Tại TP Đà Nẵng, làng nghề nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được công nhận là Di sản VHPVT quốc gia vào năm 2019. Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, cho hay từ ngày được công nhận là di sản, làng nghề được quan tâm đầu tư hơn từ khâu sản xuất đến phân phối ra thị trường. Các hộ trong làng nghề đã thay đổi từ khâu nhận diện thương hiệu, thay chai đựng từ chất liệu nhựa sang thủy tinh để giữ nguyên hương vị tự nhiên của nước mắm. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành từ làng nghề thay vì hộ kinh doanh nhỏ lẻ như trước. Chính quyền địa phương đang làm chỉ dẫn địa lý cho làng nghề để quảng bá mạnh hơn sản phẩm của địa phương.

Ông Bùi Thanh Phú, chủ thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ ở làng nghề nước mắm Nam Ô, cho biết từ ngày được công nhận di sản, làng nghề được nhiều người biết hơn. Việc sản xuất và kinh doanh có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc sản xuất của các hộ trong làng vẫn mang tính chất manh mún, không có liên kết. Ông Phú đề xuất chính quyền cần có một khu sản xuất tập trung để có thể nâng cao chất lượng cũng như sản lượng của làng nghề.

Trước khi Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đưa ra ý tưởng trên thì nghề làm nước mắm truyền thống hơn 200 năm của Phú Quốc đã đón nhận bằng Di sản VHPVT quốc gia từ tháng 12-2022. Hiện cơ quan chức năng địa phương và Hội Nước mắm Phú Quốc đang phối hợp xúc tiến để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận nghề làm nước mắm Phú Quốc là Di sản VHPVT thế giới.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Nghề làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc phải trải qua cả một quá trình lịch sử và được ghi nhận, không dễ dàng để được công nhận là di sản VHPVT quốc gia. Nếu đánh đồng tất cả nghề sản xuất nước mắm đều là di sản thì nỗ lực của các làng nghề nước mắm truyền thống như Phú Quốc trở nên vô nghĩa".

Ông Đặng Thành Tài, quyền Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho hay nếu công nhận nghề làm nước mắm thủ công chung chung là Di sản VHPVT thì rất khó thuyết phục, phải làm rõ cơ sở nguồn gốc làm ra nước mắm đó từ đâu, lịch sử hình thành như thế nào, gắn liền với vùng miền ra sao và sự độc đáo của nó được xã hội thừa nhận. Còn nếu chỉ nói chung chung thì cơ sở nào để gọi là di sản? 

Thẩm quyền thuộc địa phương

Bà Lê Thị Thu Hiền cho biết theo quy định hiện nay, chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục di sản của địa phương, sau đó chỉ đạo giám đốc sở quản lý văn hóa lập hồ sơ khoa học đối với các di sản. Trên cơ sở hồ sơ khoa học đó, chủ tịch UBND tỉnh ký tờ trình và hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL xem xét, quyết định ghi danh di sản vào danh mục Di sản VHPVT của quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc Hiệp hội Nước mắm Việt Nam không có thẩm quyền xây dựng hồ sơ trình Chính phủ công nhận nghề làm nước mắm là Di sản VHPVT.

Tuy nhiên, hiệp hội có thể hỗ trợ địa phương làm việc này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo